Nỗi lo “kép” của Nigeria

Ngày 23-3 vừa qua, ít nhất 70 binh sĩ Nigeria đã thiệt mạng khi bị các tay súng Hồi giáo cực đoan phục kích tại vùng đông bắc nước này. Các vụ tiến công đẫm máu gần đây thường do các nhóm nhận là nhánh của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở châu Phi, đặt ra thách thức lớn về an ninh đối với giới chức nước này, khi họ vừa phải đối phó những nhóm phiến quân trong khu vực, vừa lo chống lại các “chân rết” mới của IS.

Quân đội Nigeria trong một chiến dịch truy quét phiến quân ở phía đông bắc. Ảnh: OPINION NIGERIA
Quân đội Nigeria trong một chiến dịch truy quét phiến quân ở phía đông bắc. Ảnh: OPINION NIGERIA

Theo AP, phiến quân đã ném lựu đạn vào một trong những xe chở các binh sĩ đang di chuyển gần Borno, phía đông bắc Nigeria. Chiếc xe bị tiến công khi đang trên đường triển khai tiến công một doanh trại của các tay súng cực đoan có liên hệ IS tại khu vực này. Ngoài những người thiệt mạng, một số binh sĩ khác đã bị các tay súng bắt cóc.

Đây là diễn biến mới nhất trong hàng loạt vụ tiến công do các nhóm cực đoan ở vùng đông bắc Nigeria tiến hành, trong bối cảnh quân đội nước này đang phải gồng mình chống đỡ các nhóm phiến quân Hồi giáo. Trong nhiều vụ việc, phiến quân còn cướp phương tiện, vũ khí trước khi rời đi.

Bên cạnh đó, tổ chức tự nhận là nhánh của IS khu vực Tây Phi (ISWAP) gần đây cũng hoạt động mạnh ở Nigeria. ISWAP là nhóm tách ra từ nhóm phiến quân Boko Haram ở Nigeria, đã tiến hành nhiều vụ tiến công nhằm vào binh sĩ Chính phủ Nigeria thời gian qua. Đối phó phiến quân Boko Haram vốn là vấn đề gây đau đầu cho giới chức quốc gia châu Phi này. Từ năm 2009, Boko Haram đã tiến hành các hoạt động chống phá tại khu vực đông bắc Nigeria với âm mưu thiết lập một nhà nước Hồi giáo. Chúng đã dần mở rộng địa bàn hoạt động sang các nước láng giềng Niger, Cameroon, Chad... Theo thống kê của LHQ, bạo lực liên quan Boko Haram đến nay khiến khoảng 36.000 người thiệt mạng và hơn hai triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng trong khu vực.

Thế nhưng những năm gần đây, tàn dư của các nhóm khủng bố nguy hiểm như IS, al-Qaeda đang tìm cách gây dựng lại tổ chức tại các khu vực nghèo đói và bất ổn của châu Phi, vốn được bảo vệ an ninh lỏng lẻo. Từ năm 2016, Boko Haram đã chia thành hai nhánh chính sau khi các tay súng tuyên bố trung thành với IS rời bỏ thủ lĩnh lâu năm Abubakar Shekau và lập nên một nhánh mới, tự nhận là ISWAP. Theo Reuters, ISWAP thường nhằm vào các mục tiêu quân sự, trong khi nhánh còn lại do các thủ lĩnh cũ của Boko Haram đứng đầu thường thực hiện các vụ tiến công và bắt cóc nhằm vào dân thường.

Theo báo cáo của giới chức an ninh Nigeria, ISWAP chủ yếu thực hiện các cuộc tiến công nhằm mục tiêu binh sĩ chính phủ, đột kích các căn cứ quân sự và phục kích những đoàn xe hộ tống quân sự. Trong những tháng gần đây, ISWAP đã tăng cường các vụ tiến công, đặc biệt nhằm vào người Cơ đốc giáo, nhân viên an ninh và cứu trợ. Tháng 12-2019, nhiều vụ bắt cóc, tiến công nhằm vào xe cứu trợ và sát hại tình nguyện viên nhân đạo đã diễn ra ngay trên các tuyến đường cao tốc ở Borno.

Các chuyên gia an ninh bày tỏ lo ngại về tình trạng bạo lực cực đoan liên tục leo thang ở Nigeria, đặc biệt trước các báo cáo cho thấy IS đang có dấu hiệu chuyển địa bàn sang châu Phi. Chỉ riêng vấn đề Boko Haram hiện chưa có giải pháp, nay giới chức Nigeria lại thêm áp lực khi phải đối phó các tay súng liên kết với tàn dư của các nhóm khủng bố nguy hiểm, biến nơi đây thành “điểm nóng” mới trên bản đồ chống khủng bố quốc tế.