Nỗ lực chống tham nhũng tại Nga

Nhà chức trách Nga vừa công bố quyết định bắt giữ Thứ trưởng Bộ Năng lượng Anatoly Tikhonov (trong ảnh) với cáo buộc lạm dụng công quỹ. Theo thông tin từ Ủy ban Điều tra Nga, số tiền bị thất thoát lên tới 7,9 triệu USD. Quyết định xử lý nghiêm một quan chức cấp cao dính líu tham nhũng cho thấy, Chính phủ Nga không có “vùng cấm” khi đấu tranh chống tham nhũng trong bộ máy công quyền.

Ảnh: SELDON NEWS
Ảnh: SELDON NEWS

Hãng thông tấn TASS (Nga) đưa tin, Tòa án Tối cao ở Thủ đô Moscow đã ra phán quyết đối với ông Anatoly Tikhonov về cáo buộc biển thủ số tiền 7,9 triệu USD công quỹ trong thời gian làm Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng LB Nga (REA) giai đoạn 2014 - 2019. Ông Tikihonov và những người có liên quan vụ án sẽ bị tạm giam cho đến ngày 8-11. Ông Svetlana Petrenko, phát ngôn viên của Ủy ban Điều tra cho biết thêm, một số quan chức cấp cao khác cũng liên quan vụ án này, như Roman Ryzhkov - cố vấn của ông Tikhonov; hai Phó Chủ tịch Vladimir Makarov và Viktor Serebryakov của Công ty CP công nghệ Lanit…

Trong hồ sơ của vụ án được trình bày trước tòa, ông Tikhonov khi còn lãnh đạo REA đã sử dụng trái phép công quỹ để mua bất động sản ở Pháp. Tikhonov cũng bị cáo buộc gây sức ép buộc một số cấp dưới của mình phải che đậy các hành vi tham nhũng của ông này. “Kiến nghị của cuộc điều tra là hợp pháp, thể hiện thỏa đáng các cơ sở pháp lý và động cơ phạm tội của bị cáo Tikihonov. Bị cáo này hiện giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Năng lượng nhưng đã cố gắng bỏ trốn bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, như thay đổi phương tiện và nơi tạm trú ở Moscow nhiều lần”, bà Valentina Levashova, Thẩm phán Tòa án Tối cao Moscow cho biết.

Bởi vậy, Ủy ban Điều tra Nga đã yêu cầu tạm giam Thứ trưởng Tikihonov trong hai tháng là do lo ngại ông này có thể tìm cách gây cản trở cuộc điều tra khách quan, hoặc thậm chí bỏ trốn. Phần lớn công tố viên ủng hộ kiến ​​nghị của Ủy ban Điều tra, khẳng định sự tham gia của Tikhonov vào hoạt động tham nhũng đã được xác định rõ ràng dựa trên lời khai của những nhân chứng đang được bảo vệ danh tính.

Trường hợp của Thứ trưởng Tikhonov chỉ là thí dụ mới nhất trong nhiều vụ án tham nhũng liên quan không ít quan chức cấp cao những năm gần đây. Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), trong báo cáo Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) năm 2019 cho thấy, Nga xếp thứ 137 trên tổng số 180 quốc gia được xếp hạng. Ông Alexei Kudrin, cựu Bộ trưởng Tài chính Nga cho biết: “Hằng năm, có từ 33 - 50 triệu USD bị thất thoát từ ngân sách liên bang. Tham nhũng cản trở các yếu tố kích thích kinh tế, khiến tốc độ tăng trưởng đầu tư chậm lại”.

Trước tình hình đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có những biện pháp quyết liệt nhằm tuyên chiến với tham nhũng. Ông Putin coi vấn nạn này là “nỗi ô nhục” và khẳng định cuộc chiến chống tham nhũng sẽ được tiến hành công khai và gắt gao hơn nữa: “Nếu muốn đối phó tội phạm tham nhũng, trục lợi bằng tiền của nhân dân, thì trước tiên chúng ta phải giải quyết vấn đề này đến cùng. Ngoài ra, chống tham nhũng phải được thực hiện một cách công khai”. Tháng 6-2019, khi trả lời câu hỏi trên truyền hình về khung hình phạt cho các quan chức tham nhũng và cán bộ thực thi pháp luật biến chất, Tổng thống Putin cho biết: “Vấn nạn này tồn tại ở hầu hết các quốc gia. Tại nhiều nước, các doanh nghiệp và quan chức tham nhũng bị tuyên án 70, 100, 150 năm tù. Chúng ta sẽ làm như thế ở Nga”. 

Ngày 18-8 vừa qua, Nhóm các quốc gia chống tham nhũng (GRECO) của Hội đồng châu Âu (EUC) tuyên bố, Nga đã đạt được một số yêu cầu trong các khuyến nghị thuộc báo cáo năm 2017 của GRECO, đánh dấu những bước tiến đáng kể trong việc chống tham nhũng và làm trong sạch bộ máy công quyền. Tuy nhiên, tổ chức này vẫn kêu gọi Nga nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới để tuân thủ tất cả các khuyến nghị về ngăn ngừa tham nhũng trong các thành viên Quốc hội, thẩm phán và công tố viên.