Nỗ lực chống khủng bố của “quốc gia vạn đảo”

Những ngày vừa qua, cảnh sát Indonesia đã bắt giữ hàng chục nghi can có liên hệ các tổ chức khủng bố. Động thái này cho thấy chính phủ quốc gia Đông - Nam Á này đang nỗ lực truy quét khủng bố, cực đoan sau những vụ tiến công thời gian gần đây.

Lực lượng Densus 88 của Indonesia bắt giữ các phần tử khủng bố. Ảnh: JAKARTA POST
Lực lượng Densus 88 của Indonesia bắt giữ các phần tử khủng bố. Ảnh: JAKARTA POST

Theo Reuters, cảnh sát Indonesia mới đây bắt giữ 74 nghi can khủng bố có liên quan vụ đánh bom liều chết nhằm vào đồn cảnh sát ở thủ phủ Medan, tỉnh Bắc Sumatra hồi tuần trước. Những đối tượng bị bắt tại 10 khu vực và hiện bị giam giữ tại các tỉnh Bắc Sumatra, Tây Java, Riau, Banten, Đông Kalimantan, Aceh, Đông Java, Nam Sulawesi và Thủ đô Jakarta. Những đối tượng trên đều là thành viên của Jama’ah Anshorut Daulah (JAD), nhóm thánh chiến tuyên bố trung thành với tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố mang tên “Densus 88” của Indonesia đang tiếp tục truy nã các nghi phạm khác.

Người đứng đầu lực lượng cảnh sát tỉnh Bắc Sumatra, ông Agus Andrianto cho biết, thời gian qua JAD hoạt động rất mạnh. Nhóm này được cho là đang lên kế hoạch thành lập một quốc gia riêng, tách khỏi Indonesia và tiến hành các vụ tiến công để gây thanh thế. JAD được tổ chức khá chuyên nghiệp, trong đó mỗi thành viên đóng một vai trò nhất định như quản lý ngân quỹ, tuyển mộ, chế tạo bom…

Theo Reuters, tình hình an ninh ở Indonesia thời gian gần đây đang đặt trong mức báo động. Trước vụ bắt giữ hàng chục nghi can vừa qua, ngày 17-11, lực lượng Densus 88 cũng bắt giữ một phần tử nguy hiểm có quan hệ mạng lưới khủng bố khu vực và quốc tế. Theo ông Argo, nghi can mang bí danh “WJ” này bị bắt giữ tại một trường học ở thành phố Depok, thuộc tỉnh Tây Java.

Theo kết quả điều tra ban đầu, WJ là một chuyên gia chế tạo bom, vật liệu nổ, vũ khí và từng tham gia huấn luyện quân sự cho lực lượng Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) ở Mindanao, miền nam Philippines, trong khoảng thời gian từ năm 1999-2002. Ngoài ra, WJ cũng từng đến Syria vào năm 2012 cùng thủ lĩnh mạng lưới khủng bố Jemaah Islamiah (JI) Abu Askari, nhằm thiết lập quan hệ với nhóm phiến quân Quân đội Syria tự do (FRA). Trong giai đoạn 2012 - 2013, WJ đã đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác trong khu vực.

Điều đáng chú ý là các vụ tiến công thời gian qua thường nhắm vào các đồn cảnh sát và lực lượng an ninh. Đỉnh điểm vào tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng An ninh nước này, ông Wiranto đã bị tiến công bằng dao khi đang dự lễ khánh thành cơ sở của một trường đại học ở thành phố Pandeglang, tỉnh Banten.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ra lệnh thắt chặt an ninh và mở các chiến dịch truy quét khủng bố. Quân đội Indonesia trước đó cũng thành lập một đơn vị tinh nhuệ tên gọi “Koopssus” chuyên trách các nhiệm vụ quân sự đặc biệt, nhất là giải quyết các vấn đề khủng bố. “Mỗi thành viên của Koopssus được lựa chọn từ các đơn vị đặc nhiệm thuộc ba binh chủng trong quân đội”, Tư lệnh Không quân Indonesia Hadi Tjahjanto cho biết.

Việc thành lập Koopssus được đưa ra tiếp sau việc khôi phục Luật Chống khủng bố do Quốc hội Indonesia ban hành hồi tháng 5-2018, theo đó cho phép quân đội thực thi các nhiệm vụ chống khủng bố mạnh tay hơn. Koopssus sẽ phối hợp lực lượng Cảnh sát quốc gia xử lý các vấn đề khủng bố trong nước.

Giới chức Indonesia ước tính, hiện tại nước này có khoảng 1.200 đối tượng cực đoan vẫn đang hoạt động ngoài vòng pháp luật và thực hiện các vụ tiến công. Đặc biệt, trong số những nghi can khủng bố bị bắt giữ thời gian qua, có nhiều kẻ là những tay súng thánh chiến trở về từ Iraq và Syria sau khi tham gia hàng ngũ IS. Những đối tượng này khá dày dạn kinh nghiệm chiến trường và có kinh nghiệm chế tạo bom. Không chỉ vậy, thời gian gần đây, những vụ tiến công khủng bố tại Indonesia đang diễn biến vô cùng phức tạp, khi các đối tượng thực hiện nhiều vụ tiến công theo những hình thức đa dạng và khó lường. Do đó, điều này đang đặt ra những thách thức lớn về an ninh cho lực lượng chức năng tại “quốc gia vạn đảo”, đòi hỏi phải có những biện pháp hữu hiệu hơn nữa trong truy quét khủng bố.