Những nỗ lực đối phó hỏa hoạn tại Australia

Australia đang phải đối mặt một trong những thảm họa cháy rừng lớn nhất trong lịch sử. Bên cạnh những thiệt hại to lớn về người và của, các đám cháy còn hủy hoại lượng lớn động vật hoang dã của nước này. Nhiều cá nhân, tổ chức và các cơ sở y tế đã phối hợp lực lượng cứu hỏa, cứu hộ nhằm bảo tồn số động vật quý hiếm còn lại, trong đó có gia đình ông Irwin.

Bindi Erwin chăm sóc gấu Kaola trong Bệnh viện động vật hoang dã. Ảnh: AP
Bindi Erwin chăm sóc gấu Kaola trong Bệnh viện động vật hoang dã. Ảnh: AP

Gia đình ông Irwin và các bác sĩ tại Bệnh viện động vật hoang dã thuộc Vườn thú Australia là những người đã chữa trị thành công cho nhiều cá thể thú hoang bị thương trong hỏa hoạn. Từ tháng 9-2019 tới nay, nguyên nhân chính gây ra cháy rừng hàng loạt và lan rộng nhanh chóng là do tình trạng biến đổi khí hậu, gây ra hạn hán kéo dài. Theo CNN, tổng cộng đã có 24 người thiệt mạng trong thảm họa này. Ngoài những thiệt hại về người, lực lượng cứu hỏa nước này cho biết các đám cháy đã khiến gần 2.000 ngôi nhà bị phá hủy và thiêu rụi khu vực rộng tới 8,4 triệu ha.

Các đám cháy xảy ra ở nhiều bang như Victoria, Queensland, South Australia, Western Australia và Tasmania, trong đó New South Wales là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất với diện tích cháy rừng lên tới 4,9 triệu ha. Hiện vẫn còn 69 đám cháy chưa thể dập tắt. Hội đồng Khí hậu Australia ước tính tổng thiệt hại do cháy rừng đối với ngành nông nghiệp và năng suất lao động nước này trong thời gian từ nay đến năm 2030 có thể lên tới hơn 13 tỷ USD.

Tuy nhiên, hậu quả lâu dài và khó khôi phục nhất của thảm họa này chính là sự ảnh hưởng nặng nề tới hệ sinh thái tự nhiên và các loài động vật. Theo các nhà sinh thái học của Đại học Sydney, hàng triệu động vật đã biến mất trong các vụ cháy rừng ở bang New South Wales, trong đó có những loài động vật có vú, chim, bò sát, nhiều loại côn trùng… và đặc biệt hai loài biểu tượng của Australia là gấu túi (koala), chuột túi (kangaroo) bị sụt giảm nghiêm trọng. Bộ trưởng Môi trường Sussan Ley cho biết: “Hơn 30% số lượng gấu túi ở khu vực bờ biển phía đông bắc bang New South Wales đã bị chết trong các vụ hỏa hoạn và một phần ba môi trường sống của chúng đã bị phá hủy”.

Nằm trong số những tổ chức và cá nhân tham gia khắc phục thảm họa tích cực nhất, gia đình ông Steve Irwin - người sáng lập Bệnh viện động vật hoang dã đồng thời là nhà hoạt động môi trường nổi tiếng đã giải cứu và chữa trị cho hơn 90.000 động vật bị thương trong các vụ cháy rừng tàn khốc. Trên mạng xã hội Instagram ngày 2-1 vừa qua, Bindi Irwin - con gái ông Irwin, khẳng định cơ sở vật chất của Vườn thú Australia cũng như các động vật trong khu bảo tồn này đều an toàn trước hỏa hoạn.

Quan trọng hơn, Bindi cho biết, các bác sĩ trong bệnh viện thú y của Vườn thú Australia đang dành hết thời gian và công sức cứu chữa cho các cá thể bị thương từ các khu vực xảy ra hỏa hoạn: “Bệnh viện động vật hoang dã đón nhận tất cả động vật từ khắp Australia. Tuần này, chúng tôi đã điều trị cho cá thể bị thương thứ 90.000. Để chữa trị thêm nhiều loài động vật được chuyển tới bệnh viện, trong năm 2019 chúng tôi đã mở một trung tâm chăm sóc y tế cho rùa biển, rắn biển và sắp hoàn thành một khu vực mới cho loài chim, tuy nhiên những nỗ lực này vẫn là chưa đủ”, Bindi chia sẻ với báo chí.

Cùng sự tham gia của nhiều cá nhân, tổ chức như gia đình ông Irwin, Chính phủ Australia đã tiến hành nhiều biện pháp đối phó thảm họa. Hơn 2.000 lính cứu hỏa tham gia dập lửa tại New South Wales cùng những đồng nghiệp đến từ Mỹ, Canada và New Zealand. Chính phủ Australia cũng gửi binh sĩ, máy bay và tàu tuần dương để tham gia chữa cháy, sơ tán, tìm kiếm cứu nạn. “Lần đầu trong lịch sử Australia, 3.000 quân dự bị của bộ binh, hải quân và không quân được điều động tham gia trận chiến chống lại thảm họa cháy rừng”, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết. Bên cạnh đó, Chính phủ Australia còn ra mắt quỹ khôi phục sau thảm họa trị giá 1,39 tỷ USD, dự kiến giải ngân trong thời hạn hai năm nhằm giúp người dân xây dựng lại cuộc sống tại các khu vực bị hỏa hoạn.