Nhức nhối nạn bắt cóc tại Nigeria

Ngày 26-2 vừa qua, giới chức địa phương cho biết, hàng trăm học sinh tại một trường học ở bang Zamfara, miền tây bắc Nigeria, đã bị bắt cóc. Không chỉ nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram là chủ mưu trong nhiều vụ bắt cóc ở Nigeria, mà gần đây một số nhóm phiến quân khác cũng tham gia các cuộc tiến công trường học và bắt cóc học sinh, chủ yếu do năng lực an ninh yếu kém của chính quyền quốc gia châu Phi này. 

Lực lượng an ninh Nigeria chưa đủ năng lực ngăn chặn các nhóm phiến quân. Ảnh: SHUTTERSTOCK
Lực lượng an ninh Nigeria chưa đủ năng lực ngăn chặn các nhóm phiến quân. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Người phát ngôn của Thống đốc bang Zamfara đã xác nhận thông tin trên, song quan chức này không nêu rõ số lượng cụ thể. Hãng tin AFP (Pháp) dẫn nguồn tin từ giáo viên tại trường cho biết, đây là một vụ bắt cóc tập thể, trong đó hơn 300 nữ sinh đã mất tích. Theo đó, một nhóm tay súng đã đột kích trường học ở thị trấn Jangebe, sau đó dồn hàng trăm nữ sinh lên nhiều xe tải rồi tẩu thoát. Trước đó, đoàn xe của phiến quân đã tiến công một chốt quân sự gần đó, làm một số binh sĩ bị thương. 

Đây là vụ bắt cóc thứ ba xảy ra ở miền bắc Nigeria chỉ trong vòng hơn một tuần qua. Ngày 14-2, các tay súng đã bắt cóc 58 hành khách trên một xe bus đang trên đường từ thị trấn Kontagora tới Minna ở phía tây bắc. Những trẻ nhỏ trên xe đã được trả tự do sau khi những kẻ bắt cóc nhận được tiền chuộc. Tiếp đó, ngày 19-2, các tay súng được cho là thuộc một băng nhóm tội phạm đã bắt cóc hàng trăm nam sinh cùng một số giáo viên tại ký túc xá của trường cao đẳng ở thị trấn Kagara, bang Niger. Theo hãng tin BBC (Anh), các tay súng mặc quân phục giả làm binh sĩ chính phủ đã tiến công ngôi trường nói trên, đưa các sinh viên mà chúng bắt cóc vào một khu rừng gần đó. Truyền thông Nigeria cho biết, lực lượng an ninh đã phát hiện ra khu vực mà các đối tượng bắt cóc đưa sinh viên tới và đã bắt đầu lần theo dấu vết.

Tình trạng bắt cóc đòi tiền chuộc xảy ra liên tiếp tại Nigeria trong những năm gần đây. Nhóm khủng bố Boko Haram được xem là chủ mưu thực hiện nhiều vụ tiến công trường học và bắt cóc học sinh, nổi bật là vụ bắt cóc 276 nữ sinh ở thị trấn Chibok, bang Borno phía đông bắc Nigeria năm 2014. Đến năm 2016, 20 nữ sinh được trả tự do nhờ nỗ lực của Hội Chữ thập đỏ. Một số khác trốn thoát hoặc được giải cứu. Tuy nhiên, vẫn còn ít nhất gần 200 em còn bị giam giữ. Năm 2017, Boko Haram đã trả tự do cho ít nhất 80 nữ sinh. Sau đó, toàn bộ số nữ sinh Chibok còn lại đã được về nhà sau khi Chính phủ Nigeria đồng ý phóng thích các phiến quân Boko Haram bị giam giữ.

Vụ việc ở thị trấn Chibok và nhiều vụ bắt cóc gần đây cho thấy, Nigeria vẫn đang lúng túng trước sự lộng hành của các nhóm phiến quân, khủng bố. Theo nhận định của BBC, Chính phủ Nigeria chưa đủ năng lực quân sự để trấn áp sự nổi dậy của phiến quân và người dân đang dần mất niềm tin vào khả năng bảo đảm an ninh của chính quyền. Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nigeria, ông Bashir Magashi đã phải gửi thông điệp kêu gọi người dân nước này tự bảo vệ bản thân trước các cuộc tiến công, bắt cóc của phiến quân: “Hãy tự bảo vệ bản thân và không được run sợ”. Ngoài ra, Chính phủ Nigeria cũng đưa ra một số biện pháp ngăn chặn bạo lực như cấm mua bán súng đạn, trang bị thêm vũ khí cho lực lượng cảnh sát và quân đội… Tuy nhiên, việc đối phó những nhóm khủng bố như Boko Haram gần như bất khả thi. 

Kể từ năm 2009, phiến quân Boko Haram đã thực hiện các vụ tiến công, gây mất ổn định tại khu vực đông bắc Nigeria, khiến ít nhất 36.000 người thiệt mạng và khoảng hai triệu người phải rời bỏ nhà cửa, gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng trong khu vực. Bạo lực đã lan sang các quốc gia láng giềng như Niger, Chad và Cameroon, dẫn tới phải thành lập một liên minh quân sự khu vực để chống lại lực lượng này. 

Giới chuyên gia an ninh cho rằng, giải pháp phù hợp nhất hiện nay là các cơ quan an ninh của Nigeria cần nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ đất nước khỏi các phần tử tội phạm, đầu tư nhiều hơn cho công tác huấn luyện binh sĩ, cảnh sát và thúc đẩy năng lực tự phòng vệ của người dân.