Nhiệm vụ kép của giới chức EU

Giữa lúc phải “bù đầu” đối phó làn sóng dịch Covid-19 đang lan rộng, giới chức Liên hiệp châu Âu (EU) còn phải canh cánh nỗi lo khủng bố, khi từ đầu năm đến nay, các âm mưu tiến công cực đoan có liên quan tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đã được phát hiện tại Đức, Đan Mạch, Pháp…

Cảnh sát Đan Mạch tuần tra tại biên giới với Đức. Ảnh: THE HERALD
Cảnh sát Đan Mạch tuần tra tại biên giới với Đức. Ảnh: THE HERALD

Theo Reuters, ngày 27-4 vừa qua, cảnh sát Đan Mạch thông báo đã bắt giữ sáu phần tử có liên hệ IS ở Syria. Hai trong số sáu đối tượng bị bắt ở Thủ đô Copenhagen và TP Aarhus bị tình nghi đến Syria vào năm 2014 để chiến đấu cho IS. Năm người trong số này được cho là đã gửi tiền cho IS trong giai đoạn 2013 - 2017.

Trước đó, ngày 5-4, cảnh sát Pháp đã bắt giữ năm đối tượng để phục vụ công tác điều tra âm mưu tiến công khủng bố nhằm vào TP Montpellier của nước này. Cơ quan an ninh nội địa (DGSI) và Văn phòng Công tố chống khủng bố quốc gia của Pháp đảm nhận điều tra vụ việc này. Thị trưởng Robert Menard của Montpellier cho biết, các nhà điều tra tập trung giám sát một thiếu nữ 18 tuổi sống tại TP Beziers do đối tượng này bị tình nghi âm mưu tiến hành một vụ tiến công tại TP Montpellier gần đó. Theo ông Menard, đối tượng tình nghi số một nói trên đã khoe với hàng xóm về việc xem các video của IS trên internet.

Các âm mưu khủng bố khác cũng liên tiếp bị phát hiện tại châu Âu thời gian qua. Hồi đầu tháng 2, cảnh sát Đan Mạch phối hợp với lực lượng an ninh Đức đã bắt giữ 14 phần tử thánh chiến, âm mưu thực hiện các vụ tiến công khủng bố tại hai nước này. Theo thông tin do người đứng đầu các chiến dịch chống khủng bố của Cơ quan Tình báo Đan Mạch, ông Flemming Dreyer công bố, cảnh sát nước này đã bắt giữ 13 đối tượng, trong khi cảnh sát Đức bắt giữ một đối tượng khác. Các đối tượng bị nghi ngờ chế tạo chất nổ và lên kế hoạch tiến công một số địa điểm công cộng tại Đan Mạch hoặc Đức. Trong cuộc truy quét, cảnh sát đã tìm thấy nhiều thành phần và thiết bị có thể sử dụng để chế tạo bom. 

Còn tại Đức, trong một vụ bố ráp ở thị trấn Dessau thuộc bang Saxony-Anhalt cũng trong tháng 2, cảnh sát tịch thu 10 kg thuốc súng và cờ có biểu tượng của IS. Trước đó, ngày 7-1, giới chức Đức đã bắt giữ ba nghi can tài trợ khủng bố và hỗ trợ mạng lưới Haiat Tahrir al-Scham (HTS), một nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda ở Syria. Cơ quan Công tố liên bang Đức cũng phối hợp các cơ quan chức năng tiến hành lục soát nơi ở của 11 đối tượng khác bị nghi ngờ hỗ trợ khủng bố thông qua internet. 

Giới chức an ninh EU cảnh báo, các phần tử cực đoan đang lợi dụng việc nhiều nước châu Âu đang hướng phần lớn sự tập trung vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 dẫn đến lơ là trong nhiệm vụ bảo đảm an ninh để âm mưu gây ra những vụ tiến công khủng bố. Trong bối cảnh nhiều thành viên EU đang phải siết chặt phong tỏa do dịch bệnh, thì không gian mạng đang trở thành nơi các tổ chức khủng bố phát tán sự kích động cực đoan.

Do đó, Nghị viện châu Âu (EP) mới đây đã thông qua những quy định nghiêm ngặt hơn đối với các nội dung liên quan khủng bố trên không gian mạng nhằm ngăn chặn các phần tử khủng bố lạm dụng internet để tuyển mộ thành viên mới hay kích động các vụ tiến công. Trong  khi đó, Cục Điều tra tội phạm hình sự Đức (BKA) đã phối hợp Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) cùng nhiều quốc gia trong và ngoài EU đã tiến hành một hoạt động chung chống lại việc phát tán các nội dung khủng bố trên internet, như tìm kiếm các nội dung liên quan trên mạng hướng dẫn xây dựng các thiết bị nổ, bản vẽ chế tạo vũ khí… Về phần mình, Chính phủ Pháp cũng đã công bố kế hoạch củng cố những điều khoản trong Luật Chống khủng bố, trong đó cho phép sử dụng các thuật toán để phát hiện hoạt động Hồi giáo cực đoan và những trang web cực đoan khác.

Đối phó làn sóng dịch Covid-19 lan rộng và chống lại các mối đe dọa khủng bố đang trở thành nhiệm vụ kép của giới chức EU, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các nước thành viên cũng như với các quốc gia thứ ba nhằm giải quyết bài toán an ninh, an toàn của “lục địa già”.