Nguy cơ từ bất ổn tại Mali

Ngày 18-8 vừa qua, Tổng thống Mali, Ibrahim Keita đã tuyên bố từ chức trên sóng truyền hình quốc gia. Sự kiện này diễn ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Keita và Thủ tướng Boubou Cisse bị một nhóm binh sĩ quân đội bắt giữ. Vụ việc làm dấy lên sự phản đối của cộng đồng quốc tế và có khả năng gây bất ổn thêm cho quốc gia Tây Phi này.

Các tướng lĩnh quân đội chủ chốt tham gia vụ đảo chính tại Mali. Ảnh: AP
Các tướng lĩnh quân đội chủ chốt tham gia vụ đảo chính tại Mali. Ảnh: AP

Theo AP, vụ bắt giữ Tổng thống Keita và Thủ tướng Boubou Cisse ngày 18-8 nằm trong kế hoạch của cuộc đảo chính, xuất phát từ một căn cứ quân sự bên ngoài Thủ đô Bamako nước này. Trước đó, cùng ngày, Thủ tướng Cisse từng kêu gọi quân đội hạ vũ khí và tham gia đối thoại nhưng không thành công.

Sau vụ bắt giữ, Tổng thống Ibrahim Keita đã xuất hiện trên truyền hình và tuyên bố không có lựa chọn nào khác ngoài việc từ chức để tránh thương vong, đồng thời giải tán Quốc hội và Chính phủ. “Trong bảy năm qua, niềm vui và hạnh phúc lớn nhất của tôi là cố gắng đưa đất nước trở lại ổn định. Nếu hôm nay một số người thuộc các lực lượng vũ trang quyết định can thiệp bạo lực, chấm dứt sự ổn định này, tôi đã chấp nhận rút lui vì không muốn đổ máu”, ông Keita nói.

Ngày 19-8, Đại tá Assimi Goita tuyên bố ông là thủ lĩnh của nhóm các binh sĩ tự xưng là Ủy ban Cứu quốc nhân dân (CNSP), đứng sau cuộc đảo chính. Cùng ngày, các sĩ quan trong nhóm CNSP cũng đưa ra nhiều bài phát biểu trước người dân, hứa hẹn một quá trình chuyển đổi chính trị, bầu cử trong “thời gian hợp lý”, đồng thời ban bố lệnh giới nghiêm toàn quốc. 

Phát biểu ý kiến trước công chúng, lãnh đạo nhóm CNSP viện dẫn nhiều vấn đề tiêu cực trong chính quyền của Tổng thống Keita, bao gồm các cáo buộc tham nhũng và tỏ ra “bất lực” trước những cuộc nổi dậy kéo dài của lực lượng Hồi giáo cực đoan. Ngoài ra, Thiếu tá Wague cũng khẳng định, nhiều tổ chức xã hội dân sự và các phong trào chính trị - xã hội sẽ được mời tham gia cùng quân đội. Sự hợp tác này nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho quá trình chuyển đổi chính trị từ quân sự sang dân sự thông qua bầu cử minh bạch, từng bước thực hiện dân chủ, đặt nền móng cho một chính phủ mới. 

Tuy nhiên, ông Thomas Schiller, Giám đốc Tổ chức chính trị Konrad Adenauer (Đức) tại Thủ đô Bamako cho rằng: “Tình hình chính trị sau cuộc đảo chính quân sự ở Bamako đã nghiêm trọng hơn rất nhiều. Khoảng trống quyền lực hiện nay sẽ là nguyên nhân khiến cuộc khủng hoảng ở Bamako có tác động đáng kể đến tình hình an ninh trong toàn bộ khu vực Sahel”. Nhiều chuyên gia phân tích chính trị cảnh báo, các nhóm khủng bố ở miền bắc Mali có liên hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda và tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) có thể tận dụng giai đoạn rối ren này để thực hiện các cuộc tiến công, gây bất ổn hơn nữa cho Mali và khu vực.

Vụ binh biến ngày 18-8 vừa qua được xem là đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng chính trị bùng phát sau cuộc bầu cử quốc hội cuối tháng 3 tại Mali, kỳ tổng tuyển cử đầu tiên ở nước này kể từ năm 2013. Tranh cãi liên quan kết quả bầu cử khiến Mali không thể thành lập được chính phủ mới, kèm theo đó là làn sóng biểu tình quy mô lớn do phe đối lập phát động trên cả nước từ đầu tháng 6, bất chấp dịch Covid-19 hoành hành ở quốc gia này. Căng thẳng ngày càng leo thang sau các vụ đụng độ trong biểu tình, khiến hàng chục người thiệt mạng. Mặc dù Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) đã đưa ra sáng kiến hòa giải nhằm tháo gỡ bế tắc chính trị tại Mali, đề xuất thành lập chính phủ đoàn kết có sự tham gia của phe đối lập ở nước này, song phe đối lập vẫn không từ bỏ yêu sách đòi Tổng thống Ibrahim Keita từ chức. 

Các chính phủ và tổ chức quốc tế đều hy vọng tình hình ở Mali không leo thang thành bạo loạn, vô chính phủ. Ngày 19-8, Liên minh châu Phi (AU) yêu cầu Mali trở lại chế độ dân sự ngay lập tức. Hội đồng Bảo an LHQ cũng lên án cuộc đảo chính và kêu gọi các sĩ quan chỉ huy và binh sĩ trở về doanh trại. 

Tình trạng hỗn loạn tại Mali và những hệ lụy của nó đang trở thành một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh và sự ổn định của châu Phi, trong bối cảnh cả châu lục đang đối mặt những thách thức to lớn, trong đó có nạn khủng bố, tình trạng nghèo đói và dịch Covid-19.