Người tìm lời giải “bài toán” môi trường

Trong một cuộc họp báo tại Hội nghị cấp cao LHQ về môi trường ở New York (Mỹ) mới đây, “ngôi sao đang lên” trên chính trường Nhật Bản, Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi (trong ảnh) đã gây được tiếng vang với phát ngôn sẽ thúc đẩy chương trình bảo vệ môi trường trở nên “gợi cảm hơn”. Tuy vậy, tân Bộ trưởng Koizumi cũng đang đứng trước hàng loạt thách thức giải quyết các vấn đề môi trường nhức nhối ở “xứ sở mặt trời mọc”, mà trước mắt là xử lý một triệu tấn nước nhiễm xạ sắp không còn chỗ chứa.

Ảnh: REUTERS
Ảnh: REUTERS

Ông Shinjiro Koizumi sinh năm 1981, là con trai của cựu Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi. Ông trở thành bộ trưởng trẻ nhất trong chính phủ mới được công bố của Thủ tướng Shinzo vào tháng 9 vừa qua. Dù mới 38 tuổi, song tân Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản đã từng bốn lần trúng cử hạ nghị sĩ và có tỷ lệ ủng hộ cao chỉ sau Thủ tướng Shinzo Abe.

Shinjiro Koizumi được bầu vào Hạ viện Nhật Bản từ năm 2009, khi ông Junichiro Koizumi về hưu. Tại đây, ông đã lãnh đạo nhóm các nghị sĩ trẻ của đảng Dân chủ tự do (LDP) ở Hạ viện, đóng góp tiếng nói trong nhiều vấn đề quan trọng của đảng này. Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm chính trị nên ông Shinjiro nhanh chóng hòa nhập với chính trường “xứ Phù Tang”.

Trong bối cảnh các vấn đề môi trường cấp bách nổi lên trên mọi diễn đàn nghị sự thế giới, Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản đã thu hút sự chú ý của dư luận với phát ngôn cần phải thật “vui vẻ” và “gợi cảm” khi giải quyết các vấn đề quy mô lớn như biến đổi khí hậu. Trước đây, phát ngôn của chính giới Nhật Bản trong vấn đề chống biến đổi khí hậu trên các bàn nghị sự quốc tế thường được coi là còn “nhạt nhòa”. Bởi vậy, sự xuất hiện của một chính khách trẻ tuổi chủ trương ủng hộ môi trường và sử dụng năng lượng tái tạo như ông Shinjiro Koizumi đã tạo nên một làn gió mới cho phong trào đấu tranh vì môi trường ở nước này.

Ông Shinjiro có chung quan điểm với cha mình khi ủng hộ việc sử dụng năng lượng tái tạo ở Nhật Bản. Tuy vậy, việc tìm phương án thay thế năng lượng hạt nhân và hóa thạch, vốn được sử dụng rộng rãi hiện nay ở “đất nước hoa anh đào”, sẽ gây khó khăn không nhỏ cho ông Shinjiro. Sau thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011, Chính phủ Nhật Bản có chủ trương đóng cửa hầu hết các nhà máy điện hạt nhân. Nhưng việc các doanh nghiệp bắt đầu tìm kiếm nguồn điện giá rẻ đã đẩy nước này trở nên phụ thuộc vào than đá nhiều hơn.

Theo Nikkei, Nhật Bản hiện là nền kinh tế duy nhất trong Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vẫn còn theo đuổi việc xây dựng các nhà máy sử dụng năng lượng than đá. Điều này đi ngược xu hướng trong những năm gần đây là tiến tới sử dụng năng lượng tái tạo và giảm thiểu nhiên liệu hóa thạch. Cùng với đó, việc cựu Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Yoshiaki Harada từng phát biểu ý kiến cho rằng nước này sẽ phải thải nước nhiễm phóng xạ của Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) ra biển, đang gây quan ngại sâu sắc.

TEPCO cho biết, công ty đã thu gom hơn một triệu tấn nước nhiễm xạ vào các thùng chứa và đến năm 2022 sẽ hết chỗ chứa các thùng nước này. Theo TEPCO, pha loãng rồi đổ nước nhiễm phóng xạ ra biển là phương án xử lý duy nhất vì các cách khác đều rất tốn kém. Hiện, Chính phủ Nhật Bản đang đợi báo cáo của một nhóm chuyên gia trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về cách xử lý nước thải nhiễm phóng xạ. Với tư cách là lãnh đạo Bộ Môi trường, ông Shinjiro sẽ phải giải quyết các bài toán khó đang dang dở của người tiền nhiệm.

Nếu “bật đèn xanh” cho việc xả nước nhiễm phóng xạ ra biển, ông Shinjiro sẽ đi ngược với những tuyên bố vừa qua cũng như vấp phải sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Trái lại, để hiện thực hóa thông điệp bảo vệ môi trường, ông sẽ phải tìm ra phương án để xử lý một triệu tấn nước nhiễm phóng xạ nói trên với kinh phí thấp. Được kỳ vọng có thể trở thành một ứng cử viên thủ tướng tương lai, vì thế giới phân tích đánh giá rằng sự nghiệp chính trị của nhà lãnh đạo trẻ tuổi đang trông đợi cả vào “nước cờ” này.