Người phá vỡ các rào cản

Sau khi ứng cử viên thuộc đảng Dân chủ Joe Biden tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020, bà Kamala Harris (trong ảnh), liên danh tranh cử của ông Biden đã nhận được sự chú ý của dư luận. Nhiều khả năng bà Harris sẽ là phụ nữ da mầu gốc Á đầu tiên trở thành Phó Tổng thống Mỹ trong 231 năm qua.

Ảnh: AFP
Ảnh: AFP

Theo CNN, bà Kamala Harris, Thượng nghị sĩ bang California là cái tên được nhắc đến nhiều nhất chỉ sau hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ trong những ngày qua. Ngay sau khi ông Joe Biden tuyên bố chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà trắng, bà Harris đã đăng tải trên mạng xã hội Twitter đoạn video, tuyên bố: “Chúng ta còn rất nhiều việc ở phía trước. Cùng bắt đầu nào”. Dù kết quả bầu cử chưa được xác nhận chính thức, song hành trình hướng về Nhà trắng của bà Harris thời gian qua vẫn là nguồn cảm hứng cho nhiều người dân Mỹ và trên thế giới.

Bà Kamala Harris, 56 tuổi, sinh ra tại Oakland, bang California trong gia đình có bố mẹ là người nhập cư. Mẹ bà là người Ấn Độ, tới Mỹ du học trong khi cha bà là một giáo sư kinh tế người Mỹ gốc Jamaica. Trong suốt thời gian theo học Trường đại học Howard tại Thủ đô Washington D.C, bà Harris gia nhập hội nữ sinh “Alpha Kappa Alpha Sorority Inc.” dành cho người Mỹ gốc Phi. Đây cũng chính là nơi định hình sâu sắc quan điểm chính trị đấu tranh vì nhân quyền của bà sau này. 

Năm 1989, bà Harris bắt đầu sự nghiệp chính trị với vai trò trợ lý luật sư tại Văn phòng Công tố quận Alameda, California. Năm 2010, bà trở thành phụ nữ da mầu đầu tiên làm Tổng Chưởng lý California. Năm 2016, bà được bầu vào Thượng viện Mỹ, trở thành người Mỹ gốc Ấn và phụ nữ gốc Phi đầu tiên phục vụ trong đảng Dân chủ, đại diện cho bang California. Tại Thượng viện, bà Harris là thành viên của nhiều tiểu ban quan trọng, bao gồm Ủy ban An ninh Nội địa và Các vấn đề Chính phủ, Ủy ban Đặc biệt về Tình báo, Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Phân bổ Ngân sách.

Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử cho ông Biden, bà Harris kêu gọi sự đồng hành của người dân Mỹ nhằm đấu tranh với nạn phân biệt chủng tộc và sự bài ngoại. Bà cũng gửi đi thông điệp về hy vọng và sự đoàn kết trong nội bộ “xứ cờ hoa”. Bà khẳng định sẽ đấu tranh để khôi phục các nguyên tắc hòa nhập của nước Mỹ sau bốn năm bị chia rẽ dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump, đồng thời cho biết bà và ông Joe Biden chia sẻ “tầm nhìn về quốc gia như một cộng đồng được yêu mến, nơi tất cả mọi người được chào đón, không quan trọng họ là người ra sao, đến từ đâu và yêu quý ai”.

Trong bài phát biểu đầu tiên sau khi ứng cử viên Joe Biden cán đích cuộc đua tới Nhà trắng, bà Harris cho biết: “Mọi bé gái đang theo dõi tôi phát biểu tối nay sẽ thấy rằng Mỹ là một đất nước của những cơ hội. Với tất cả những đứa trẻ, bất kể giới tính, đất nước đã gửi một thông điệp rất rõ ràng: Hãy ước mơ và tham vọng, với niềm tin và nhìn nhận bản thân theo cách mà người khác không thấy được, đơn giản là vì họ chưa bao giờ thấy điều đó. Hãy biết rằng chúng tôi luôn hoan nghênh các bạn trên mọi con đường”. Không chỉ vậy, bà cũng nhấn mạnh bà là phụ nữ đầu tiên, nhưng sẽ không phải là người cuối cùng có khả năng giữ cương vị Phó Tổng thống Mỹ. 

Ngay sau khi thông tin về cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ 46 của Mỹ được truyền thông công bố, nhiều người dân ủng hộ đảng Dân chủ đã tổ chức tiệc mừng. Tại làng Thulasendrapuram, bang Tamil Nadu (Ấn Độ), quê của mẹ bà Harris, nhiều người dân đã đốt pháo hoa, cầu nguyện tại ngôi đền chính và giơ cao chân dung bà Harris. Những phụ nữ trong làng kết vòng hoa sặc sỡ trên mặt đất với các dòng chữ “Chúc mừng Kamala Harris”, “Niềm tự hào của toàn bộ phụ nữ”…

Dù kết quả bầu cử Mỹ vẫn còn nhiều tranh cãi và chưa ngã ngũ, song theo giới truyền thông, bà Kamala Harris được mệnh danh là “Người phá vỡ các rào cản” và hành trình tới Nhà trắng của bà chính là nguồn cảm hứng cũng như động lực to lớn cho nhiều người, đặc biệt là phụ nữ và người da mầu không chỉ ở Mỹ mà còn trên khắp thế giới, đấu tranh vì quyền bình đẳng.