Người “kiến tạo hòa bình”

Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến đề cử ông William Ruger (trong ảnh), một chuyên gia về chính sách đối ngoại, làm Đại sứ Mỹ tại Afghanistan. Ông Ruger là người có quan điểm ủng hộ rút toàn bộ quân Mỹ khỏi quốc gia Nam Á, nên việc lựa chọn chuyên gia này cho thấy “ông chủ” Nhà trắng đang đặt kỳ vọng ông sẽ trở thành người “kiến tạo hòa bình” ở Afghanistan.  

Ảnh: EPA
Ảnh: EPA

Theo tờ The Wall Street Journal, Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây đã đề cập với Chính phủ Afghanistan về việc lựa chọn ông Ruger trở thành Đại sứ Mỹ tại Kabul. Báo này cũng cho biết, ông Ruger đã được cân nhắc cho vị trí này từ ba tháng trước. Ông hiện là Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu chính sách Charles Koch và Phó Chủ tịch phụ trách chính sách đối ngoại tại Viện Stand Together. Trước đây, ông là Phó GS tại khoa Khoa học Chính trị, Đại học bang Texas. Ông cũng là một cựu chiến binh trong chiến tranh Afghanistan và là sĩ quan dự bị của Hải quân Mỹ. 

Ông Ruger cũng làm khách mời thường xuyên xuất hiện trên truyền hình, đài phát thanh và đã viết nhiều bài bình luận quốc tế cho các tờ báo như  The New York Times, The Washington Post, USA Today… Trong bài báo có nhan đề “Tổng thống Trump đã đúng về Afghanistan” đăng vào tháng 5 vừa qua trên tờ National Interest, ông Ruger bày tỏ quan điểm: “Tổng thống Trump đã kết luận chính xác rằng việc rút quân nhanh chóng và toàn bộ là điều cấp thiết. Thay vì tiếp tục một cuộc chiến vô ích, việc thoát ra khỏi đó mới phục vụ cho lợi ích quốc gia”. 

Mỹ hiện còn khoảng 8.000 binh sĩ tại Afghanistan và dự định rút tiếp 3.000 - 4.000 binh sĩ từ nay đến trước kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11 tới. Ông Ruger cũng từng nhấn mạnh rằng, Tổng thống Trump không nên để thỏa thuận rút quân bị “sa lầy” thêm. Tuy nhiên, chính trường Mỹ hiện chia làm hai luồng quan điểm về việc này. Nhiều quan chức Mỹ lo ngại động thái nhanh chóng rút toàn bộ quân đội ra khỏi Afghanistan sẽ lặp lại sai lầm dưới thời Tổng thống Obama ở Iraq năm 2011, dẫn đến lỗ hổng an ninh tại quốc gia này và sự ra đời của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) trong khu vực. Do vậy, họ đề nghị cần tiếp tục giữ lại một lực lượng quân Mỹ đóng quân tại đây. 

Ý kiến khác lại cho rằng, thay vì tiếp tục duy trì quân đội tại Afghanistan thì Mỹ nên nhường lại quyền bảo an cho quân đội địa phương.

Giới quan sát cho rằng, việc ông Ruger được lựa chọn cho thấy Tổng thống Trump đang muốn thực hiện lời hứa của ông trong chiến dịch tranh cử trước đó là giảm đáng kể sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Afghanistan. Kể từ chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016, ông Trump đã cam kết rằng Mỹ không có ý định trở thành “cảnh sát” cho một quốc gia nào và kêu gọi chấm dứt “các cuộc chiến tranh bất tận” của  những chính quyền tiền nhiệm. Ở thời điểm chỉ còn chưa đầy ba tháng trước cuộc bầu cử tổng thống, vấn đề này lại càng trở nên cấp thiết hơn khi ông Trump đang nỗ lực lấy lại tín nhiệm của các cử tri. 

Động thái đề cử ông William Ruger cũng diễn ra trong lúc Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban đang chuẩn bị mở lại cuộc đàm phán hòa bình dự kiến diễn ra tại Doha (Qatar) trong thời gian tới. Trước đó, các cuộc hòa đàm giữa hai bên, vốn là một yêu cầu trong thỏa thuận hòa bình do Mỹ làm trung gian, đã bị trì hoãn chủ yếu do vẫn còn bất đồng về việc trao đổi tù nhân. Kể từ đầu năm, vị trí Đại sứ Mỹ tại Kabul đã để trống sau khi cựu Đại sứ John Bass rời chức vụ sau hai năm đảm nhiệm vai trò này. Bộ Ngoại giao Mỹ khi đó cho biết, sự ra đi của ông Bass đã được lên kế hoạch từ lâu. Tuy nhiên từ đó đến nay, Mỹ vẫn chưa tìm được người thích hợp cho “ghế nóng”. 

Theo nhận định của giới phân tích, dù ai đảm nhận vị trí Đại sứ tại Afghanistan cũng sẽ phải đối mặt nhiệm vụ thúc đẩy các cuộc hòa đàm vốn đang gặp trục trặc. Bên cạnh đó, bất ổn an ninh gia tăng do hoạt động bạo lực của Taliban cũng như các tổ chức khủng bố khác cũng sẽ là thách thức lớn của ông William Ruger trong thời gian tới.