Mối đe dọa tiềm tàng

Giới chức Pháp đang tiến hành hàng loạt biện pháp trấn áp mạnh tay các phần tử tình nghi khủng bố ở nước này, trong vụ một giáo viên bị sát hại dã man sau khi cho các học sinh xem tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed của người Hồi giáo. Vụ việc cũng làm dấy lên lo ngại về những mối đe dọa an ninh tiềm tàng khi chủ nghĩa cực đoan vẫn đang âm ỉ trong lòng nước Pháp.

Người dân Pháp tưởng niệm nạn nhân vụ sát hại. Ảnh: AFP
Người dân Pháp tưởng niệm nạn nhân vụ sát hại. Ảnh: AFP

Ngày 16-10 vừa qua, thầy giáo Samuel Paty (47 tuổi), là giáo viên địa lý và lịch sử, được phát hiện đã bị chặt đầu gần nơi làm việc là một trường trung học ở vùng ngoại ô Conflans Saint-Honorine, phía tây bắc Thủ đô Paris. Theo AFP, nạn nhân trước đó đã tổ chức một cuộc thảo luận với học sinh trong lớp, có sử dụng hình ảnh biếm họa nhà tiên tri Mohammed của đạo Hồi. Một số phụ huynh Hồi giáo đã phàn nàn với nhà trường về vấn đề này, đồng thời thầy giáo đã nhận được nhiều lời đe dọa sau giờ tan học.

Theo Bộ Tư pháp Pháp, nghi can sát hại dã man thầy giáo Samuel Paty là Abdullakh Anzorov (18 tuổi) người CH Chechnya thuộc Nga. Cơ quan điều tra cho biết, kẻ tiến công vốn không có tiền án và đã được cấp phép cư trú 10 năm ở Pháp với tư cách là người tị nạn vào tháng 3 vừa qua. Theo cảnh sát nước này, Anzorov mang theo dao, súng hơi, năm bình gas và đã dùng dao chống trả điên cuồng khi lực lượng an ninh tiếp cận. Sau đó, đối tượng đã bị bắn hạ ở thị trấn Éragny. 

Ngày 18-10, đông đảo người dân và một số quan chức, chính khách… tại các thành phố lớn của Pháp đã xuống đường bày tỏ tưởng nhớ nạn nhân vụ sát hại và lên án chủ nghĩa khủng bố. Họ giương cao khẩu hiệu “Chấm dứt hành động man rợ” cũng như kêu gọi bảo vệ quyền tự do cá nhân. Phát biểu ý kiến tại buổi tưởng niệm, Bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer khẳng định “ủng hộ giáo viên, chủ nghĩa thế tục, tự do ngôn luận và chống lại chủ nghĩa Hồi giáo”. 

Vụ việc xảy ra khi Chính phủ Pháp đang chuẩn bị dự luật nhằm giải quyết mạnh tay các phần tử Hồi giáo cực đoan mà giới chức nước này cho rằng, tạo ra một “xã hội song song bên ngoài các giá trị của nền cộng hòa”. Văn phòng công tố Paris cho biết, đã bắt giữ 11 nghi phạm liên quan vụ sát hại, bao gồm những người thân của Anzorov và cha của một học sinh trong lớp học của nạn nhân vì đã đăng lời phản đối và kêu gọi sa thải Paty trên internet. Cảnh sát Pháp cũng mạnh tay trấn áp những người tình nghi và thực hiện hàng loạt vụ đột kích vào mạng lưới các phần tử Hồi giáo cực đoan trong những ngày qua. Ngoài ra, 231 người nước ngoài có tên trong “tầm ngắm” của cảnh sát cũng sẽ bị trục xuất. 

Đây là sự cố thứ hai liên quan khủng bố kể từ sau vụ thảm sát tháng 1-2015 tại tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo do đăng tải các hình ảnh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed. Mặc dù không được đề cập trong Kinh Qur’an, song những người theo đạo Hồi coi hình ảnh của nhà tiên tri là điều thiêng liêng và cấm xâm phạm. Vừa qua, tạp chí trào phúng này đã đăng lại những hình ảnh biếm họa gây nhiều tranh cãi. Sau đó ít lâu, một thanh niên 18 tuổi người Pakistan đã đâm bị thương hai người bên ngoài tòa soạn cũ của Charlie Hebdo để bày tỏ phản đối việc này. Cảnh sát cho biết, nghi phạm ở Pháp từ ba năm trước với tư cách là một trẻ vị thành niên không có người đi kèm.

Sau các diễn biến trên, tình hình an ninh tại trường học và các điểm công cộng ở Pháp được đặt trong tình trạng báo động cao. Tuy vậy, vấn đề tội phạm là thanh niên, trẻ vị thành niên tị nạn hoặc là người di cư đời thứ hai, đang gây nhiều khó khăn với giới chức Pháp. Những thanh niên này mang trong mình gốc gác Hồi giáo, lại dễ bị những tư tưởng cực đoan lôi kéo trở thành “sói đơn độc” gây ra các tiến công khủng bố tiềm tàng. Dù giới chức xứ “gà trống Gauloise” khẳng định nỗ lực bảo đảm an ninh, song trên thực tế không dễ triệt tiêu mầm mống của những phần tử cực đoan vẫn ẩn mình trong lòng nước này.