Kế hoạch chống khủng bố của Tây Phi

Ngày 14-9, lãnh đạo các nước Tây Phi đã công bố một kế hoạch trị giá một tỷ USD nhằm phục vụ cuộc chiến chống khủng bố. Kế hoạch kỳ vọng sẽ đóng góp vào nỗ lực đẩy lùi các nhóm khủng bố cực đoan, được cảnh báo trỗi dậy mạnh mẽ ở khu vực này trong thời gian qua.

Lực lượng đặc nhiệm chung của G5 Sahel. Ảnh: GETTY IMAGES
Lực lượng đặc nhiệm chung của G5 Sahel. Ảnh: GETTY IMAGES

Tại Hội nghị cấp cao Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) diễn ra mới đây ở Ouagadougou của Burkina Faso, lãnh đạo các nước trong khu vực đã thông báo về kế hoạch này với sự thống nhất cao. Kế hoạch chi tiết sẽ được công bố chính thức tại Hội nghị ECOWAS vào tháng 12 tới đây. Dự kiến, ECOWAS sẽ kêu gọi Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) “đầu tư” một phần cho kế hoạch an ninh này, cùng với sự hỗ trợ từ phía các nhà tài trợ phương Tây và các nước Arab.

Theo đó, số quỹ này sẽ được dùng để cung cấp tài chính cho cuộc chiến chống các phần tử Hồi giáo cực đoan trong giai đoạn từ năm 2020-2024, nhằm giúp tăng cường các chiến dịch quân sự của các nước liên quan, cũng như những chiến dịch quân sự chung trong khu vực. Hiện chưa rõ khoản đóng góp của mỗi quốc gia thành viên là bao nhiêu, song tổng số tiền một tỷ USD sẽ được gộp vào thành một quỹ chung của toàn khối.

Mở đầu Hội nghị vừa qua, Chủ tịch của Ủy ban ECOWAS Jean-Claude Brou đã cảnh báo tình trạng trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố là rất đáng quan ngại. Ông cho biết, trong vòng bốn năm qua đã xảy ra tổng cộng 2.200 vụ tiến công liên quan các chiến binh thánh chiến Hồi giáo cực đoan, khiến 11.500 người thiệt mạng, hàng nghìn người bị thương và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, trong khi hoạt động kinh tế - xã hội cũng chịu ảnh hưởng trầm trọng.

Gần đây, hàng loạt vụ tiến công đẫm máu đã diễn ra tại nhiều quốc gia trong khu vực. Trong đó, nhiều vụ nhằm vào lực lượng an ninh cũng gây thương vong không nhỏ cho dân thường. Tổng thống Burkino Faso, ông Roch Marc Christian Kabore cũng nhấn mạnh: “các mối đe dọa khủng bố đã vượt ra ngoài biên giới, không một quốc gia nào an toàn”. Các nhà lãnh đạo Tây Phi cũng lo ngại tình trạng bạo lực leo thang đã dẫn tới một cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có tại khu vực Sahel.

Cuộc chiến chống làn sóng bạo lực gia tăng liên quan các phần tử Hồi giáo cực đoan trong khu vực này đang gặp khó khăn nghiêm trọng do thiếu ngân sách. Hồi năm 2014, lực lượng quân sự G5 Sahel (gồm 5 nước vùng Sahel là Burkina Faso, Niger, Chad, Mali và Mauritania) đã được thành lập nhằm giải quyết vấn đề này. G5 Sahel chịu trách nhiệm tổ chức phối hợp hợp tác khu vực trong các chính sách phát triển và vấn đề an ninh ở Tây Phi.

Tuy nhiên, do thiếu tài chính, trang thiết bị cũng như việc huấn luyện còn hạn chế, hoạt động của lực lượng này vẫn chưa phát huy hiệu quả. Thậm chí G5 Sahel còn phải đối mặt những chỉ trích là hoạt động kém hiệu quả. Tuy vậy lãnh đạo các nước Tây Phi cho rằng, tổ chức này đã không nhận được đủ ngân sách để tăng cường hoạt động, lực lượng quá mỏng dẫn đến lỗ hổng trong việc ứng phó các vấn đề an ninh khu vực. Hiện tại, lực lượng này mới chỉ có 4.000 binh sĩ, trong khi kế hoạch ban đầu là 5.000 quân.

Tổng thống Bờ Biển Ngà, ông Alassane Ouattara cho biết, bên cạnh sự hỗ trợ của lực lượng phái bộ LHQ tại Mali (MINUSMA) thì chỉ riêng lực lượng của G5 Sahel là không đủ. “Chúng tôi phải tìm phương tiện phối hợp hoạt động trên quy mô rộng hơn và hiệu quả hơn”, ông Ouattara cho biết.

Các chuyên gia dự báo việc chống lại sự trỗi dậy của các phần tử cực đoan trong khu vực đang tạo nên một thách thức vô cùng lớn với lực lượng an ninh của G5 Sahel. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), số vụ tiến công liên quan Hồi giáo cực đoan ở Sahel đã tăng gấp đôi mỗi năm kể từ năm 2016. Năm ngoái, số vụ việc được ghi nhận là 465 vụ, tức là mỗi ngày có hơn một vụ khủng bố xảy ra.