Giải pháp tình thế

Giới chức Italia đã quyết định chặn tàu cứu hộ mang tên Alan Kurdi của Tổ chức phi chính phủ Sea-Eye (Đức), chở 40 người di cư xin cập cảng nước này. Vụ việc cho thấy, việc phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người di cư, đặc biệt là các quốc gia cửa ngõ vẫn là bài toán khó đối với “lục địa già”.

Hàng trăm người di cư đã cập cảng Lampedusa trong những năm gần đây. Ảnh: AP
Hàng trăm người di cư đã cập cảng Lampedusa trong những năm gần đây. Ảnh: AP

Theo DW, tàu cứu hộ Alan Kurdi đã cứu được những người di cư khỏi một con tàu đang bị chìm vào ngày 31-7 ở ngoài khơi Libya. Họ đều đến từ Libya, trong đó có hai phụ nữ mang thai, một trẻ sơ sinh, hai trẻ em và một người đang bị thương. Sau khi cứu hộ, tàu Alan Kurdi đã hướng về phía đảo Lampedusa của Italia. Đại diện tàu cứu hộ cho biết họ đã liên lạc với lực lượng bảo vệ bờ biển Italia, nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.

Ngày 2-8, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nội vụ Italia, ông Matteo Salvini thông báo cấm tàu Alan Kurdi cập cảng Lampedusa. Ông Salvini cho rằng việc tổ chức đưa những người di cư vào Italia là “hành động khiêu khích”. Trước đó, giới chức Rome đã nhiều lần ra lệnh cấm các tàu cứu hộ đưa thêm người di cư tới cảng biển của Italia vì tình trạng quá tải ở các điểm tiếp nhận. Rome cũng chỉ trích các nước Liên hiệp châu Âu (EU) khác đã không có động thái san sẻ “gánh nặng” dòng người tị nạn với nước này.

Việc các tàu cứu hộ chở người di cư bị chặn lại ngoài khơi Italia không phải là vấn đề mới, mà đã từng xảy ra nhiều lần trong những tháng gần đây. Thậm chí, giới chức Italia từng bắt giữ một thuyền trưởng thuộc đội tàu của tổ chức cứu hộ Sea-Watch vì cố tình cập cảng trái phép để đưa những người di cư bị nạn vào bờ. Thuyền trưởng này đã được trả tự do, song con tàu vẫn bị giữ lại ở Sicily. Trong tháng 7, Italia cũng chặn tàu Gregoretti chở hơn 100 người di cư cập cảng Sicily, khiến tàu này phải lênh đênh trên biển trong khoảng một tuần.

Italia và các nước EU cũng đang tranh cãi chung quanh việc chia sẻ trách nhiệm người tị nạn vào châu Âu bị dồn lại ở nước này. Theo quy định của EU, người di cư phải nộp đơn xin tị nạn tại quốc gia EU đầu tiên họ đặt chân đến. Italia, Malta và Hy Lạp là những quốc gia gần Libya nhất nên đã phải tiếp nhận nhiều người di cư hơn cả. Song, ba nước “tuyến đầu” này luôn phàn nàn rằng giới chức EU không công bằng trong việc phân bổ người nhập cư. Nhiều nước thành viên đã từ chối tiếp nhận người tị nạn cho dù đã chấp nhận hạn ngạch phân bổ, khiến ông Salvini chỉ trích các nước EU đã biến Italia thành “trại tị nạn” ở châu Âu.

Làn sóng người di cư đã có dấu hiệu giảm trong hai năm trở lại đây, song hằng ngày vẫn có hàng trăm người bất chấp nguy hiểm vượt biển để tới châu Âu. Italia cho rằng họ không thể tiếp nhận tất cả những người tị nạn đổ về và EU phải có hành động quyết liệt hơn, vì đây là vấn đề đáng lo ngại của toàn “lục địa già”. Tuy nhiên, cứ mỗi khi có tàu cứu hộ mới cập bờ, các nước EU lại phải mất nhiều thời gian bàn bạc để thống nhất xem nước nào tiếp nhận những người di cư trên tàu, khiến không ít người bị bỏ rơi trên biển nhiều ngày trong tình cảnh thiếu thốn lương thực, thuốc chữa bệnh.

Vừa qua, giới chức Đức và Pháp đã đề xuất một giải pháp mới được gọi là “Cơ chế đoàn kết”, nhận được sự ủng hộ của một số nước thành viên là Phần Lan, Luxemburg, Bồ Đào Nha, Litva, Croatia và Ireland. Theo đề xuất này, các nước này sẵn sàng tiếp nhận người di cư tại bất cứ thời điểm nào họ lên bờ sau khi được những con tàu cứu hộ giải cứu trong giai đoạn từ nay tới tháng 10. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Italia Salvini vẫn phản đối cơ chế này vì nó đòi hỏi Italia phải cho phép người di cư vào lãnh thổ nước này mà không tính tới sự quá tải của Italia. Do đó, “Cơ chế đoàn kết” nói trên chỉ được xem là giải pháp tình thế do chưa thể giải quyết ổn thỏa tranh cãi giữa các nước cửa ngõ tiếp nhận người di cư với phần còn lại của “lục địa già”.