EU chia sẻ gánh nặng người di cư

Giới chức Italia vừa cho phép con tàu chở hơn 360 người tị nạn, do tổ chức từ thiện Open Arms của Tây Ban Nha cứu hộ trên biển, cập cảng Pozzallo trên đảo Sicilia. Việc tiếp nhận các tàu cứu hộ ở Italia đã được nới lỏng trong thời gian gần đây theo thỏa thuận chia sẻ gánh nặng người di cư giữa một số thành viên Liên hiệp châu Âu (EU).

Tàu của Open Arms giải cứu người di cư. Ảnh: NATIONAL
Tàu của Open Arms giải cứu người di cư. Ảnh: NATIONAL

Trước đó, tàu của Open Arms đã nhiều lần bị lực lượng bảo vệ bờ biển ở Italia và Malta từ chối với lý do không còn khả năng tiếp nhận người di cư. Ngày 1-2, tổ chức Open Arms cho biết tàu cứu hộ của họ đang lênh đênh trên Địa Trung Hải với 363 người tị nạn, chỉ còn thức ăn đủ dùng trong hai ngày. Theo kênh Rai của Italia, giới chức nước này cho biết tàu của Open Arms được phép đưa những người vừa được giải cứu trên biển vào cảng Pozzallo trong thời gian chờ phân bổ tới các quốc gia EU khác.

Thời gian qua, nhiều trường hợp tàu cứu hộ khác cũng đã được chấp nhận cập cảng với điều kiện tương tự. Cuối tháng 1 vừa qua, tàu cứu hộ Ocean Viking do tổ chức phi chính phủ Pháp SOS Méditerranée điều hành, đã đưa 403 người di cư tới cảng Taranto của Italia. Bộ Nội vụ Italia cho biết nước này chấp thuận cho tàu cập cảng sau khi Đức, Pháp, Ireland và Luxembourg đồng ý tiếp nhận những người di cư trên tàu này. Italia cũng cho phép nhiều tàu cứu hộ trên Địa Trung Hải vào các cảng của nước này với điều kiện các quốc gia khác thuộc EU cùng chia sẻ việc phân bổ những người tị nạn được giải cứu.

Biện pháp trên đã chấm dứt tình trạng hàng trăm người tị nạn sau khi được cứu hộ lại tiếp tục “mắc kẹt” nhiều ngày trên Địa Trung Hải, do tàu cứu hộ của các tổ chức từ thiện bị Italia và Malta - hai quốc gia trên tuyến đầu tiếp nhận người di cư trên biển vào châu Âu, từ chối tiếp nhận. Trong một số trường hợp, tàu cứu hộ buộc phải di chuyển đến các cảng xa hơn ở Tây Ban Nha để đưa người di cư vào bờ.

Tháng 9-2019, tại một hội nghị ở Malta, Bộ trưởng Nội vụ của năm quốc gia EU gồm Italia, Đức, Pháp, Ireland và Luxembourg đã nhất trí một kế hoạch mới nhằm thiết lập hệ thống phân bổ những người di cư từ Địa Trung Hải để giảm bớt áp lực đối với các quốc gia phía nam. Bộ Nội vụ Italia cũng công bố dữ liệu cho thấy các nước EU khác đã đề nghị “san sẻ” khoảng 80% người di cư đủ điều kiện khỏi các điểm tiếp nhận đã quá tải ở Sicilia trong tháng 12 năm ngoái.

Như vậy, sau nhiều bất đồng sâu sắc trong EU về vấn đề người di cư, thỏa thuận hẹp tại Hội nghị Malta đã góp phần tháo gỡ một nút thắt quan trọng. Đồng thời, tại Italia, chính phủ liên minh mới giữa hai đảng Phong trào 5 sao (M5S) và đảng Dân chủ (PD) đã cho thấy thiện chí hơn với các tổ chức cứu hộ châu Âu so chính quyền tiền nhiệm. Chính phủ liên minh trước đây của Italia bao gồm đảng cực hữu Liên đoàn, với quan điểm chống người di cư, đã nhiều lần đẩy vấn đề di cư của EU vào tình thế bế tắc. Đặc biệt là sau hàng loạt động thái gay gắt của lãnh đạo đảng Liên đoàn, cựu Bộ trưởng Nội vụ - ông Matteo Salvini, đã liên tục từ chối cấp phép cho các tàu cứu hộ cập cảng. Đến nay, ông Salvini vẫn không ngừng chỉ trích quyết định cho phép các tàu cứu hộ vào Italia.

Sau sự việc liên quan tàu Ocean Viking và tàu của tổ chức Open Arms, ông Salvini đã chỉ trích mạnh mẽ chính sách của Rome, cảnh báo số lượng người di cư đến Italia đã tăng 500% trong tháng 1-2020. Trước lo ngại của nhiều cử tri về tình trạng quá tải người di cư, tỷ lệ ủng hộ đối với đảng cực hữu ở Italia lại có khuynh hướng tăng lên.

Do đó, việc di dời những người di cư được giải cứu trên biển vẫn luôn là vấn đề gây tranh cãi đối với EU, khi dòng người mới đến khiến cho cử tri nghiêng mạnh về phía các đảng có quan điểm chống nhập cư. Giới quan sát lo ngại giải pháp hiện nay vẫn mang tính tình thế và bất kỳ biến động nào trong Chính phủ Italia cũng có thể khiến thỏa thuận phân bổ người di cư phải chấm dứt.