Dự luật gây tranh cãi

Một số cảnh sát Pháp đã bị buộc tội “lợi dụng quyền hạn, cố tình dùng vũ lực với người khác” và “làm sai lệch hồ sơ cảnh sát”, sau khi đoạn video quay một người da mầu bị một nhóm cảnh sát đánh đập được tung lên internet. Vụ việc xảy ra trong lúc dư luận Pháp đang tranh luận gay gắt về dự luật mới hạn chế người dân quay phim và phát tán hình ảnh hoạt động của cảnh sát.

Michel Zecler trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh: RFI
Michel Zecler trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh: RFI

Ngày 26-11 vừa qua, đoạn video được tung lên mạng xã hội cho thấy các cảnh sát đã đánh đập thô bạo một người da mầu trong vài phút, được xác định là nhà sản xuất âm nhạc Michel Zecler. Nạn nhân cho biết bị cảnh sát tiến công ở quận 17 vào ngày 21-11. Zecler đã đi lại trên phố mà không đeo khẩu trang. Do hành động này vi phạm quy định phòng dịch Covid-19 của Pháp, nên khi nhìn thấy xe cảnh sát, Zecler đã chạy vào phòng thu của anh ở gần đó để tránh bị phạt, song bốn cảnh sát đã đuổi theo vào trong tòa nhà và tiến công Michel Zecler. 

Cả bốn cảnh sát này đã bị đình chỉ công tác để phục vụ điều tra. Hai người đang bị giam giữ, hai người được trả tự do nhưng phải chịu sự quản thúc của cơ quan tư pháp. Trong quá trình thẩm vấn, ba cảnh sát trực tiếp đánh đập Zecler khai nhận hành động như vậy vì lo ngại không thể khuất phục được đối tượng khi anh này chống cự lại. Người còn lại không tham gia đánh đập nhưng bị cáo buộc ném lựu đạn hơi cay vào phòng thu âm. Tổng thống Pháp E.Macron đã gọi đây là “vụ việc đáng xấu hổ”. Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin cũng khẳng định các cảnh sát trong đoạn băng sẽ phải chịu trách nhiệm vì hành vi của mình nếu kết quả điều tra xác nhận họ hành động sai trái. 

Nhiều cơ quan báo chí Pháp đã phản ứng gay gắt trước vụ việc này do đoạn băng về Zecler xuất hiện vào thời điểm một dự luật an ninh mới đang làm dấy lên làn sóng tranh cãi. Theo đó, điều khoản 24 thuộc Dự luật An ninh toàn diện cho phép hình sự hóa những người cố ý công khai hình ảnh cảnh sát khi đang làm nhiệm vụ với mục đích tiêu cực. Đây là hạng mục gây tranh cãi nhất, khiến dự luật mới bị phản đối mạnh mẽ.

Thời gian qua, nhiều vụ bê bối tại Pháp xuất phát từ việc người dân quay lại hình ảnh lực lượng hành pháp khi đang thực hiện nhiệm vụ và đăng tải lên các mạng xã hội, đã gây ra những luồng ý kiến trái chiều. Ngay trước vụ việc Michel Zecler, vào giữa tháng 11, lực lượng cảnh sát cũng bị chỉ trích vì nhiều cảnh bạo lực được tung lên internet sau một đợt truy quét mạnh tay trại di cư ở trung tâm Thủ đô Paris. Hồi tháng 7, ba cảnh sát nước này bị buộc tội ngộ sát sau cái chết của tài xế giao hàng Cédric Chouviat, cũng liên quan hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội.

Một số cơ quan báo chí, truyền thông và chuyên gia Pháp cho rằng, dự luật mới nếu có hiệu lực sẽ vi phạm quyền tự do báo chí và gây trở ngại cho quá trình tác nghiệp của các phóng viên. Hàng nghìn người dân đã xuống đường phản đối dự luật. Tuy nhiên, những người ủng hộ luật nhấn mạnh cần bảo vệ hình ảnh cảnh sát khi đang làm nhiệm vụ để tránh những hành vi bêu xấu có thể “làm tổn hại thể chất hoặc tinh thần” của nhân viên an ninh. Bộ trưởng Gerald Darmanin cho rằng, việc ban hành dự luật là cần thiết để bảo vệ danh tính các nhân viên thuộc lực lượng hành pháp, đặc biệt là sau một số vụ người biểu tình quá khích tiến công cảnh sát trong làn sóng tuần hành của phong trào “Áo vàng”.

Trước lo ngại dự luật có thể tiếp tục gây hiểu nhầm và chia rẽ, Chính phủ Pháp ngày 1-12 đã thông báo sẽ sửa lại một phần của luật an ninh mới. Động thái này được xem là nhằm xoa dịu dư luận Pháp cũng như một số quốc gia châu Âu sau vụ cảnh sát tiến công Michel Zecler.