Dịch bệnh kép ở “xứ cờ hoa”

Bên cạnh sự hoành hành của đại dịch Covid-19 thì người dân Mỹ cũng đang phải hứng chịu một “dịch bệnh” khác, đó là sự gia tăng mối thù ghét nhằm vào người gốc Á. Giới chuyên gia cảnh báo, sự lây lan của làn sóng kỳ thị cộng đồng gốc Á nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng phân biệt chủng tộc, vốn là “căn bệnh nan y” ở “xứ cờ hoa”.

Cuộc tuần hành chống thù hận người châu Á tại New York. Ảnh: GLOBAL TIMES
Cuộc tuần hành chống thù hận người châu Á tại New York. Ảnh: GLOBAL TIMES

Ngày 4-4 vừa qua, hơn 10.000 người Mỹ gốc Á đã tập trung tại TP New York (Mỹ) để tham gia cuộc tuần hành quy mô lớn kêu gọi chấm dứt tình trạng thù ghét người gốc Á tại nước này. Thành phần tham gia tuần hành gồm có các quan chức địa phương, nạn nhân của tình trạng thù ghét và những người đến từ các cộng đồng thiểu số khác nhau trên khắp nước Mỹ. 

Những người Mỹ gốc châu Á tham gia sự kiện phản đối tình trạng bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á, chủ yếu là người gốc Hoa và hàng trăm người gốc Nepal, Myanmar hoặc Malaysia. Họ kêu gọi chính quyền tăng cường hành động, công nhận ngày 4-4 hằng năm là “Ngày chấm dứt thù hận” (Stop Hate Day) tại Mỹ. Nhà tổ chức cuộc tuần hành kêu gọi giới chức Mỹ theo dõi các vụ việc liên quan và thu thập dữ liệu về tội phạm thù hận, ngăn chặn những hành động hoặc phát ngôn mang tính thù hận. 

Một số biện pháp khác cũng được đề xuất, như giới chính trị cần chấm dứt mọi hành động bôi nhọ và phân biệt người Mỹ gốc Á, các cơ quan hành pháp cần đẩy mạnh cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc và bạo lực thù hận, áp dụng những hình phạt nghiêm khắc với người vi phạm. Ngoài ra, các đơn vị phòng, chống tội phạm thù hận nên cung cấp dịch vụ đa ngôn ngữ để hỗ trợ các cộng đồng người gốc Á báo cáo với chính quyền khi họ bị tiến công. Chính quyền các cấp từ liên bang tới địa phương cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức chống tội phạm thù hận và phân biệt chủng tộc, bằng cách cung cấp nhiều hơn những thông tin liên quan. Chính phủ Mỹ cũng cần cung cấp thêm các nguồn lực và tài chính cho các tổ chức phi chính phủ hoạt động ngăn chặn tội phạm thù hận và giáo dục về tình trạng này để nâng cao tinh thần đoàn kết giữa các cộng đồng.

Cuộc tuần hành diễn ra trong bối cảnh một số vụ bạo lực nhằm vào người châu Á vẫn xảy ra tại Mỹ, bất chấp những hoạt động phản đối bạo lực và tội phạm thù hận liên tục được đẩy mạnh trong thời gian qua. Theo CNN, thông tin về tội phạm thù hận được báo cáo với cảnh sát đã tăng đột biến gần đây, không chỉ tại các thành phố lớn như New York, Los Angeles, Seattle, Boston, San Jose hay Dallas, mà còn ở các vùng khác của nước Mỹ, bao gồm những thị trấn nhỏ hơn. Các cuộc tiến công bằng lời nói và hành động cũng như hành vi phá hoại đã tăng đột biến trong tháng 3. Vụ việc gần đây được chú ý là một người đàn ông vô cớ hành hung dã man một phụ nữ trên đường phố New York chỉ vì bà là người gốc Á. Hàng loạt vụ tiến công nhằm vào người châu Á sau đó cũng diễn ra, là cảnh báo cao độ về nạn thù ghét người gốc Á trong xã hội Mỹ. 

Kết quả một cuộc điều tra do tờ The New York Times tiến hành về nạn gia tăng thù hận chống người châu Á tại Mỹ kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát cho thấy, có hơn 110 vụ việc chống lại người gốc Á đã được báo cáo tại quốc gia này kể từ tháng 3-2020. Tuy nhiên, tờ báo lưu ý rằng, số liệu kể trên chỉ là những thông tin được báo chí công bố và “có bằng chứng rõ ràng về sự căm ghét vì lý do chủng tộc”, đồng nghĩa có thể còn nhiều vụ việc hơn thế trên thực tế. Dựa trên kết quả điều tra, tờ báo nhận định “sự thù ghét như một động cơ là điều khó chứng minh về mặt lịch sử”.

Tình trạng phân biệt chủng tộc vẫn luôn tồn tại ở “xứ cờ hoa” và nạn thù ghét người gốc Á chỉ là một biến tướng. Gần 4.000 vụ bạo lực liên quan phân biệt chủng tộc được ghi nhận trong một năm trở lại đây tại Mỹ, khi dịch Covid-19 lây lan mạnh mẽ. Những người Mỹ gốc Á trở thành nạn nhân vì bị cáo buộc là làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, sự kỳ thị dai dẳng chống người gốc Á - Phi ở Mỹ mới là nguyên nhân gây nên làn sóng thù ghét hiện nay.