Cuộc đua vào số 10 phố Downing

Ngày 10-6 vừa qua, 10 ứng cử viên chạy đua vào vị trí Thủ tướng Anh nhằm thay thế bà Theresa May đã chính thức lộ diện. Ngay từ khi cuộc đua bắt đầu, những đòn tiến công trực diện giữa các ứng cử viên đã khiến cuộc chạy đua vào số 10 phố Downing (dinh Thủ tướng Anh) trở nên gay cấn hơn bao giờ hết.

Ông Boris Johnson (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Jeremy Hunt rời một cuộc họp tại dinh Thủ tướng. Ảnh: BUSINESS INSIDER
Ông Boris Johnson (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Jeremy Hunt rời một cuộc họp tại dinh Thủ tướng. Ảnh: BUSINESS INSIDER

Sau khi ông Sam Gyimah từ bỏ ý định tham gia tranh cử, cuộc đua vào chiếc ghế Chủ tịch đảng Bảo thủ cầm quyền chỉ còn lại 10 người, trong đó có tám ứng cử viên nam và hai ứng cử viên nữ. Người được bầu làm lãnh đạo đảng Bảo thủ cũng đồng nghĩa trở thành chủ nhân ngôi nhà số 10 phố Downing. Trước đó, ngày 7-6, bà Theresa May đã chính thức tuyên bố từ chức sau gần ba năm dẫn dắt đất nước.

Theo BBC, từ ngày 11-6, 313 nghị sĩ đảng Bảo thủ sẽ tiến hành một loạt vòng bỏ phiếu kín để loại dần các ứng cử viên có số phiếu thấp nhất, cho tới khi chỉ còn hai ứng cử viên. Sau đó, khoảng hơn 120.000 thành viên đảng Bảo thủ trên khắp nước Anh sẽ bỏ phiếu để lựa chọn người chiến thắng cuối cùng. Kết quả dự kiến được công bố vào cuối tháng 7 tới. Ngay từ khi bà May từ chức, các ứng cử viên đã bắt tay ngay vào chiến dịch vận động tranh cử khiến cuộc đua này trở nên vô cùng sôi động.

Một trong những ứng cử viên được cho là tiềm năng nhất, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Boris Johnson khởi đầu chiến dịch tranh cử với việc công bố đoạn video tiếp xúc các cử tri, nhấn mạnh cam kết sẽ đưa nước Anh rời khỏi Liên hiệp châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, đúng thời hạn hiện tại là ngày 31-10-2019, bất kể có đạt thỏa thuận hay không. Hôm 9-6 vừa qua, ông Johnson cũng tuyên bố sẽ không thanh toán “phí chia tay” ước tính lên đến 45 tỷ euro, nếu EU không chấp nhận những điều kiện tốt nhất đưa nước Anh rời khối này. Bên cạnh vấn đề được cử tri quan tâm nhất ở thời điểm hiện tại là Brexit, ứng cử viên Boris Johnson cũng đưa ra những cam kết về thúc đẩy đoàn kết và sự ủng hộ đối với giới doanh nghiệp, tăng ngân sách cho các trường học và lực lượng cảnh sát.

Trong khi đó, nhằm hạ thấp uy tín của đối thủ tiềm năng nhất, nhiều ứng cử viên đã khởi động chiến dịch tranh cử của mình bằng các chỉ trích nhắm vào ông Boris Johnson. Bộ trưởng Ngoại giao đương nhiệm Jeremy Hunt cho rằng, hồ sơ ứng cử của ông Boris Johnson “không nghiêm túc”, đồng thời cho rằng ông Johnson đã có nhiều phát ngôn “gây sốc” về Brexit và thậm chí đôi lúc “vạ miệng”. Ngày 31-5 vừa qua, ông Boris Johnson cũng đã phải hầu tòa với cáo buộc “cố tình nói dối” trong chiến dịch vận động cho cuộc trưng cầu ý dân về Brexit. Trong khi đó, là một người ủng hộ mạnh mẽ Brexit và chủ trương đối thoại linh hoạt với EU, ông Jeremy Hunt cho rằng lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ cần phải làm chủ được “nghệ thuật đàm phán”.

Bộ trưởng Môi trường Michael Gove cũng cho thấy đang đi đúng hướng và muốn thể hiện là một “nhà lãnh đạo nghiêm túc”. Tuy nhiên, chiến dịch tranh cử của ông Gove đã vấp phải nhiều khó khăn bởi trong một phát biểu công khai mới đây về việc chống sử dụng chất gây nghiện, ông thừa nhận từng sử dụng cocaine thời điểm còn làm nhà báo. Ngay sau tuyên bố này, nhiều người đã lên án hành động trong quá khứ của ông Gove. Bộ trưởng Môi trường sau đó bày tỏ lấy làm tiếc và gửi lời xin lỗi người dân, song khẳng định vẫn luôn tin tưởng vào những cơ hội chiến thắng.

Cựu Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit, Dominic Raab cùng Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid cũng đã công bố những kế hoạch tranh cử lạc quan. Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát mới đây của tờ The Independent, hơn một nửa người dân Anh vẫn tỏ ra hoài nghi vào các ứng cử viên thay thế bà May. Hiện các ứng cử viên vẫn chưa đưa ra được giải pháp nào khả thi hơn bà Theresa May đối với vấn đề Brexit. Do đó, giới phân tích cho rằng bất kỳ ai chiến thắng cũng sẽ phải đối mặt một “núi” thách thức trước mắt để đưa nước Anh rời khỏi EU dù có thỏa thuận hay không vào hạn chót là ngày 31-10 tới.