Cuộc đua vào “ghế nóng”

Ngày 24-5 vừa qua, Thủ tướng Anh Theresa May đã tuyên bố sẽ từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ vào ngày 7-6 tới. Quyết định này để lại khoảng trống quyền lực lớn trong Chính phủ Anh vào thời điểm sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng về thỏa thuận Anh rút khỏi Liên hiệp châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, đang là thách thức lớn nhất đối với người kế nhiệm bà May.

Các ứng cử viên sáng giá Boris Johnson, Sajid David và Michael Gove. Ảnh: TIMES
Các ứng cử viên sáng giá Boris Johnson, Sajid David và Michael Gove. Ảnh: TIMES

Theo quy định của đảng Bảo thủ cầm quyền, nếu số ứng cử viên lãnh đạo đảng từ hai người trở lên, các nhà nghị sĩ Quốc hội sẽ tiến hành bỏ phiếu để thu hẹp số lượng xuống còn hai ứng cử viên. Sau đó, lá phiếu của khoảng 120.000 thành viên đảng Bảo thủ sẽ quyết định người kế nhiệm bà May. Quá trình này bắt đầu từ ngày 10-6 và việc hoàn tất các thủ tục chuyển giao của bà May, cũng như bỏ phiếu lựa chọn nhà lãnh đạo mới dự kiến hoàn thành vào tháng 7. Lãnh đạo được bầu ra của đảng cũng sẽ là Thủ tướng mới của Anh.

Ngày thứ hai 27-5 vừa qua, 10 ứng cử viên đã tuyên bố tham gia cuộc chạy đua trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ. Nổi bật trong đó có thể kể tới những gương mặt đã và đang đóng vai trò quan trọng trong Chính phủ của bà May, như cựu Bộ trưởng Ngoại giao Boris Johnson; cựu Bộ trưởng chuyên trách Brexit Dominic Raab, cựu Bộ trưởng Lao động & Hưu trí Esther McVey; Bộ trưởng Y tế Matt Hancock; Bộ trưởng Ngoại giao Jeremy Hunt, Bộ trưởng Môi trường Michael Gove…

Theo một cuộc thăm dò mới đây của Công ty phân tích dữ liệu YouGov, 39% thành viên đảng Bảo thủ ủng hộ cựu Bộ trưởng Ngoại giao Boris Johnson trở thành lãnh đạo kế tiếp. Đứng thứ hai là ông Dominic Raab với tỷ lệ 13%. Cả hai ông Johnson và Raab đều tôn trọng những nỗ lực của Thủ tướng Theresa May khi đối mặt với mọi khó khăn chung quanh tiến trình Brexit. Hai chính khách này từng nhiều lần góp ý thẳng thắn kế hoạch Brexit của bà May.

Với sự ủng hộ của các nghị sĩ có ảnh hưởng như Johnny Mercer, Jacob Rees-Mogg và Gavin Williamson, ông Johnson tuyên bố sẵn sàng chuẩn bị cho Brexit “cứng”, một viễn cảnh nước Anh rời EU mà không có thỏa thuận. Trả lời hãng tin BBC, ông Raab khẳng định các ưu tiên của mình nếu được bầu là lãnh đạo đảng bảo thủ và trở thành Thủ tướng là đạt được thỏa thuận “công bằng” hơn trong tiến trình Brexit với EU.

Trong khi đó, các chính khách như Bộ trưởng Ngoại giao Jeremy Hunt, đặc biệt là Bộ trưởng Môi trường Michael Gove được coi là những ứng cử viên quan trọng, ủng hộ những đề xuất của bà May trong tiến trình Brexit. Trước khi trở thành Bộ trưởng Môi trường trong chính phủ của bà May, ông Gove từng đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng Giáo dục. Bởi vậy, ông Gove được đánh giá là một trong số những nhà lãnh đạo có kinh nghiệm hàng đầu của “xứ sở sương mù”, một gương mặt sáng giá cho chiếc ghế Chủ tịch đảng Bảo thủ.

Trả lời hãng tin Sky News, Bộ trưởng Gove cho biết: “Tôi đã sẵn sàng để thống nhất ý chí của người dân toàn quốc. Bước đầu là bảo đảm quyền lợi của các công dân EU sinh sống tại đây thông qua quy trình khai báo, cũng như đưa ra các đề xuất nhập tịch cho những trường hợp đang cư trú hợp pháp vào thời điểm trưng cầu ý dân về Brexit”. Theo đề xuất này, khoảng ba triệu công dân EU đang sinh sống và những người đã cư trú tại Anh vào thời điểm cuộc trưng cầu ý dân năm 2016 diễn ra có thể được nhập tịch hợp pháp vào năm 2021.

Từ đó có thể thấy, vấn đề Brexit là trọng tâm trong cuộc đua sắp tới vào vị trí lãnh đạo đất nước. Tuy nhiên, một số ứng cử viên như bà Esther McVey, cựu Bộ trưởng Lao động & Hưu trí, Bộ trưởng Y tế & Chăm sóc Xã hội Matt Hancock cũng cho rằng cần tìm giải pháp sớm cho tiến trình Brexit đang gặp bế tắc và quan tâm hơn tới những vấn đề khác của đất nước, như tình hình doanh nghiệp và ổn định xã hội. “Nước Anh vẫn cần rút khỏi EU kể cả khi các bên không có một thỏa thuận nào. Bởi vì tất cả chúng ta cần phải tiến lên và xây dựng lại một nước Anh dành cho tất cả mọi người dân”, bà Esther McVey nhấn mạnh.