Cuộc chiến chưa có hồi kết

Một báo cáo trình lên Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ mới đây đã xác nhận thông tin thủ lĩnh của mạng lưới khủng bố al-Qaeda ở bán đảo Arab (AQAP) Khalid Batarfi (trong ảnh) bị bắt giữ. Trước đó, vào tháng 10-2020, nhân vật số hai của al-Qaeda là Saad Atef al Awlaqi cũng bị tiêu diệt trong một chiến dịch ở khu tự trị Al-Mahrah (Yemen). Đây được xem là những tín hiệu tích cực trong bối cảnh cuộc chiến chống khủng bố có phần bị lu mờ trước mối lo đại dịch Covid-19. 

Ảnh: ALAMY
Ảnh: ALAMY

Một nhóm giám sát viên của LHQ theo dõi mối đe dọa khủng bố toàn cầu đã báo cáo trước HĐBA về những kết quả đạt được của cuộc chiến chống khủng bố trong năm 2020. Đây là lần đầu thông tin về vụ bắt giữ Khalid Batarfi được chính thức xác nhận. Khalid Batarfi (40 tuổi) trở thành thủ lĩnh AQAP vào tháng 2-2020 sau khi kẻ tiền nhiệm của chi nhánh này là Qassim al-Rimi bị tiêu diệt trong cuộc không kích của Mỹ ở Yemen. Lâu nay, Batarfi đã được xem là nhân vật đóng vai trò cốt cán trong nhiều hoạt động của AQAP. 

Có cha mẹ là người Yemen nhưng Batarfi sinh ra ở Riyadh (Saudi Arabia). Năm 2018, Bộ Ngoại giao Mỹ đã liệt Batarfi vào danh sách những kẻ khủng bố toàn cầu. Washington coi AQAP là nhánh nguy hiểm nhất của mạng lưới thánh chiến al-Qaeda trên toàn thế giới. Tổ chức này đã nhận trách nhiệm về vụ xả súng hàng loạt tại một căn cứ hải quân của Mỹ ở Florida năm 2019, trong đó, một sĩ quan không quân người Saudi Arabia đã bắn chết ba thủy thủ Mỹ. Y cũng xuất hiện trong nhiều video tuyên truyền tư tưởng cực đoan của AQAP trong những năm gần đây.

Một trong những hoạt động gây rúng động của nhóm này là vụ tiến công văn phòng tạp chí Charlie Hebdo ở Pháp vào năm 2015. Ở Yemen, AQAP đã tiến hành các hoạt động chống lại cả phiến quân Houthi và quân đội Chính phủ. Do đó, Mỹ và đồng minh đã tiến hành chiến dịch dài hơi nhằm tiêu diệt các thủ lĩnh của nhóm này bằng máy bay không người lái tại Yemen. AQAP đến nay vẫn chưa thừa nhận Batarfi bị bắt giữ, vì nhóm này cho rằng việc bắt sống một trong những nhân vật cấp cao như Batarfi là điều không thể. 

Báo cáo của nhóm giám sát trình lên LHQ cho biết: “Ngoài việc mất thủ lĩnh, AQAP còn bị xói mòn trong hàng ngũ do bất đồng tư tưởng ​​cũng như thực trạng nhiều tay súng đào ngũ. Một trong những tay chân thân cận của Batarfi là Abu Omar al-Nahdi cũng đã rời bỏ nhóm này”. Việc bắt giữ Batarfi còn được cho là có thể cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho các cơ quan chống khủng bố trong chiến dịch chống lại mạng lưới khủng bố của al-Qaeda trên toàn cầu. Trước đó, giới chức Iraq cũng vừa công bố tiêu diệt được một thủ lĩnh cấp cao của tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Trong bối cảnh giới chức nhiều nước đang phải dành nguồn lực ưu tiên cho chống dịch Covid-19, thì những sự kiện trên được xem là điểm sáng của cuộc chiến chống khủng bố năm vừa qua.

Các nhà phân tích cho rằng, sự hiện diện của AQAP vẫn đóng vai trò dẫn dắt cũng như truyền bá tư tưởng Hồi giáo cực đoan. Thực chất, nhóm này đã luôn lợi dụng mạng xã hội, internet để kêu gọi và thu nạp những phần tử cực đoan thực hiện các cuộc tiến công thánh chiến theo kiểu “sói đơn độc”. Ngoài ra, hoạt động của khủng bố toàn cầu ngày càng ẩn chứa nhiều yếu tố bất định khi các báo cáo cho thấy, nhiều kẻ mang tư tưởng khủng bố thánh chiến đang trong giai đoạn “ẩn mình” trong đại dịch Covid-19. 

LHQ đã nêu bật nhiều mối đe dọa an ninh tiềm tàng trên khắp thế giới và cảnh báo một loạt cuộc tiến công được lên kế hoạch trước có thể xảy ra ở bất kỳ quốc gia nào. Trong thời gian tới, khi các biện pháp hạn chế di chuyển trong phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay được dỡ bỏ, cuộc chiến chống khủng bố có thể đối mặt nhiều thách thức và khó khăn hơn, đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa của các quốc gia trên thế giới.