Cuộc cải tổ “hậu Brexit”

Ngày 13-2 vừa qua, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tiến hành cuộc cải tổ chính phủ lần đầu sau sự kiện Anh chính thức rời Liên hiệp châu Âu (EU), còn gọi là Brexit. Những thay đổi nhân sự này được kỳ vọng sẽ mang lại bước tiến mới cho nước Anh, đồng thời góp phần hàn gắn chia rẽ ở nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền cũng như chấm dứt những ý kiến trái chiều của cử tri cả nước thời “hậu Brexit”.

Thủ tướng Anh Boris Johnson (giữa) trong cuộc họp với chính phủ mới. Ảnh: INTERNEWCAST
Thủ tướng Anh Boris Johnson (giữa) trong cuộc họp với chính phủ mới. Ảnh: INTERNEWCAST

Thay đổi đáng chú ý đầu tiên trong lần cải tổ lần này là việc Thủ tướng Anh bất ngờ bãi nhiệm Bộ trưởng phụ trách vùng Bắc Ireland, ông Julian Smith. Việc ông Julian Smith nghỉ việc được cho là sẽ tạo thêm chia rẽ trong mối quan hệ giữa Anh và chính quyền Bắc Ireland, đồng thời gây khó khăn cho chính phủ của ông Johnson khi vấn đề đường biên giới với Bắc Ireland vẫn là phần quan trọng trong các nội dung đàm phán giữa Anh và EU trong tương lai.

Một sự kiện bất ngờ khác của đợt cải tổ chính phủ lần này là việc Bộ trưởng Tài chính Sajid Javid xin từ chức, chỉ một tháng trước thời điểm công bố kế hoạch ngân sách thường niên của chính phủ. Theo Reuters, Thủ tướng Johnson yêu cầu ông Javid thay thế toàn bộ đội ngũ cố vấn của bộ này. Tuy nhiên, ông Javid đã không chấp nhận yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ Anh và quyết định nộp đơn xin từ chức. Người được bổ nhiệm trở thành Bộ trưởng Tài chính mới là Thứ trưởng Rishi Sunak. Tân Bộ trưởng Rishi Sunak (39 tuổi) được xem là một gương mặt khá mới trên chính trường Anh khi chỉ mới được bầu vào Quốc hội năm 2015.

Theo truyền thống chính trị ở “xứ sở sương mù”, Bộ Tài chính là một trong những cơ quan quyền lực hàng đầu trong chính phủ, chỉ xếp sau Văn phòng Thủ tướng nằm ở số 10 phố Downing. Người lãnh đạo bộ này thường là chính trị gia có tầm ảnh hưởng lớn đối với các quyết sách về kinh tế - tài chính của chính phủ. Đảm nhận vị trí quan trọng như vậy, ông Rishi Sunak phải đối mặt nhiều thách thức lớn nhằm bảo đảm sự ổn định và thúc đẩy nền kinh tế Anh.

Ngay sau khi nhậm chức, ông Sunak đã tham dự cuộc họp chính phủ lần đầu và giải quyết vấn đề nhân sự của Bộ Tài chính. Chia sẻ trên mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Sunak cho biết: “Với trách nhiệm của một bộ trưởng, tôi có một nhiệm vụ chung quan trọng nhất, đó là góp phần đoàn kết và đưa đất nước tiến lên”. Ông Sunak cho rằng chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai cần dựa trên sự phát triển các đặc khu kinh tế được ưu đãi thuế quan, song song các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ. Trước đó, tân bộ trưởng cũng nhiều lần khẳng định tầm quan trọng của việc thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế giữa các khu vực ở Anh.

Thông báo của Văn phòng Thủ tướng cho biết, ông Johnson đã thành lập một nhóm kinh tế chuyên trách để tư vấn cho cả Thủ tướng lẫn tân Bộ trưởng Tài chính. Nhiều thành viên đảng Bảo thủ cho rằng Thủ tướng Johnson và ông Sunak sẽ dễ dàng tìm được tiếng nói chung trong chính sách kinh tế thời hậu Brexit, trong đó có việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền bằng cách đầu tư thêm ngân sách vào khu vực miền bắc và miền trung nước này. Ngoài ra, sau một thời gian dài rối loạn chính trị vì vấn đề Brexit, Thủ tướng Johnson mong muốn chính phủ mới sẽ tập trung hơn vào các vấn đề đối nội trong năm 2020, bao gồm những chính sách đầu tư cho an ninh, y tế và cơ sở hạ tầng.

Trước đó, ông Johnson cũng tiến hành bãi nhiệm một số vị trí khác như Bộ trưởng Doanh nghiệp Andrea Leadson, Bộ trưởng Môi trường Theresa Villiers, Bộ trưởng Chuyên trách Đại học, Khoa học, Nghiên cứu & Cải tiến Chris Skidmore… Thông điệp trong cuộc cải tổ lần này của ông Boris Johnson là khuyến khích những gương mặt mới, nhất là phụ nữ, đồng thời là sự ghi nhận đóng góp của những thành viên chính phủ từng ủng hộ ông trong chiến thắng của cuộc tổng tuyển cử cuối năm ngoái.

The New York Times dẫn một thông báo khác từ Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết: “Thủ tướng Johnson kỳ vọng lần cải tổ này sẽ đặt nền móng cho chính phủ hiện tại và trong tương lai, mong muốn thúc đẩy một thế hệ các chính khách tài năng mới”.