Chuyến công du khó khăn

Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson mới đây có chuyến công du nước ngoài đầu tiên tại các quốc gia châu Âu, trong đó có Pháp và Đức. Không chỉ nhằm tháo gỡ bế tắc cho thỏa thuận Anh rời khỏi Liên hiệp châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, chuyến công du này còn có ý nghĩa quan trọng nhằm lấy lòng tin của cử tri, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho nhiệm kỳ cầm quyền của tân Thủ tướng Anh thời gian tới.

Thủ tướng Anh (phải) đã có cuộc gặp với Tổng thống Pháp về vấn đề Brexit. Ảnh:AFP
Thủ tướng Anh (phải) đã có cuộc gặp với Tổng thống Pháp về vấn đề Brexit. Ảnh:AFP

Chuyến công du của ông Boris Johnson diễn ra chỉ vài ngày trước khi Hội nghị cấp cao Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra tại thành phố Biarritz (Pháp). Cụ thể, ngày 22-8 vừa qua, Thủ tướng Anh đã có mặt tại Thủ đô Paris để gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và bàn bạc về thỏa thuận Brexit trước thời điểm Anh rời khỏi khối vào cuối tháng 10 tới. Trước đó, ông Johnson đã có cuộc làm việc với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Thủ đô Berlin với mục đích tương tự.

Theo The Independent, trong những cuộc gặp này, Thủ tướng Anh tiếp tục nhắc lại yêu cầu gỡ bỏ hoàn toàn điều khoản “chốt chặn” là vấn đề đường biên giới giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và CH Ireland, khỏi bản thỏa thuận Brexit. Nếu EU chấp nhận nhượng bộ điều khoản này, Chính phủ Anh sẽ làm mọi cách để đạt được một thỏa thuận mới trước ngày 31-10 tới. Trong trường hợp không nhận được sự đồng thuận của EU, Anh sẽ rời EU mà không có thỏa thuận và điều này sẽ diễn ra mà không cần sự cho phép của Quốc hội Anh. Tuy nhiên, ông Boris Johnson cũng bày tỏ tin tưởng hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận phù hợp.

Đáp lại lời đề nghị của Thủ tướng Anh, Thủ tướng Đức A.Merkel cho biết EU không có bất cứ ý định nào về việc đàm phán lại bản thỏa thuận Brexit mà EU đã đạt được với chính phủ của cựu Thủ tướng Anh Theresa May hồi tháng 11-2018. Dù vậy, bà Merkel cũng tỏ ra nhượng bộ, bày tỏ hy vọng phía Anh tìm “giải pháp thay thế” liên quan Brexit trong vòng 30 ngày tới, và Đức sẵn sàng làm việc với Anh để tìm một giải pháp thiết thực cho vấn đề biên giới Bắc Ireland.

Trong khi đó, sau cuộc gặp với ông Johnson, Tổng thống Pháp E.Macron tỏ ra cứng rắn hơn khi nhấn mạnh Chính phủ Anh sẽ phải tự quyết định vận mệnh của nước Anh, cũng như cách mà nước này rời EU và xác định mối quan hệ tương lai với EU. Về phần mình, EU cũng đang chủ động chuẩn bị cho mọi kịch bản, nhất là kịch bản Brexit diễn ra mà không có thỏa thuận (Brexit “cứng”). Ông Macron cũng khẳng định, đây không phải là lựa chọn của EU nhưng đó là trách nhiệm chung của giới chức khối này đối với lãnh thổ, người dân và các doanh nghiệp đang hoạt động trong khối. Tổng thống Pháp cũng bày tỏ lo ngại về tương lai Brexit, song tin tưởng rằng Anh và các quốc gia khác trong EU sẽ tìm được giải pháp trong những ngày tới.

The Guardian cho biết, trong bối cảnh thời hạn Brexit đang tới rất gần, nhiều khả năng nước Anh sẽ rời EU thật sự mà không có bất kỳ thỏa thuận nào. Bởi, theo các nhà phân tích, chính phủ mới của Anh luôn ưu tiên tính đến kịch bản Brexit “cứng”.

Phía EU cũng tỏ ra kiên quyết giữ các quan điểm cứng rắn, không hề cho thấy khả năng sẽ nhượng bộ Chính phủ Anh. EU tin rằng, nếu nhượng bộ Anh, đây sẽ là tiền lệ rất xấu và có thể để lại các hậu quả khó lường, khiến khối này đánh mất uy tín và khả năng răn đe các thành viên khác muốn rời bỏ “mái nhà chung” trong tương lai. Điều duy nhất khiến EU có thể quan ngại là kịch bản Brexit “cứng” có thể sẽ làm tổn hại lâu dài đến mối quan hệ chiến lược giữa EU và Anh trong tương lai. Bởi xét cho cùng, Anh vẫn là một quốc gia châu Âu với tiềm lực kinh tế, quân sự hàng đầu và có vai trò quan trọng trong cấu trúc an ninh châu Âu.

Với những ý nghĩa quan trọng như thế, chuyến công du lần này của tân Thủ tướng Anh Boris Johnson là một động thái nằm trong nỗ lực thúc đẩy tìm kiếm một thỏa thuận có lợi cho cả Anh lẫn EU trước khi Brexit tới thời điểm diễn ra.