Chức vụ gây tranh cãi

Ứng cử viên Mauricio J.Claver-Carone (trong ảnh) của Mỹ vừa được bầu làm tân Chủ tịch của Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (IDB) để thay ông Luis Alberto Moreno, người đã đứng đầu tổ chức tài chính này trong suốt 15 năm qua. Ông Claver-Carone dự kiến bắt đầu nhiệm kỳ mới (2020 - 2025) kể từ ngày 1-10 tới.

Ảnh: AP
Ảnh: AP

Theo Politico, ông Claver-Carone đã chiến thắng cuộc bỏ phiếu bằng hình thức trực tuyến của 48 thống đốc ngân hàng các nước thành viên. Để được bầu làm Chủ tịch IDB, ứng cử viên phải nhận được đa số phiếu ủng hộ của các quốc gia thành viên IDB, trong đó bao gồm ít nhất 15 trên tổng số 26 quốc gia thành viên trong khu vực Mỹ latin. Ông Claver-Carone đã giành được khoảng 66,8% số phiếu bầu, trong đó có sự ủng hộ của 23 thống đốc ngân hàng các nước thành viên trong khu vực. 

Ông Claver-Carone (45 tuổi) là người Mỹ gốc Cuba. Trong thời kỳ cựu Tổng thống George W.Bush nắm quyền, ông từng làm việc tại Bộ Tài chính Mỹ. Ông cũng có một thời gian ngắn làm đại diện của Mỹ tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), sau đó được Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ định đảm nhiệm vai trò phụ trách Tây Bán cầu ở Hội đồng An ninh Quốc gia và là cố vấn đặc biệt của ông Trump trong vấn đề này. Trong cuộc bỏ phiếu vừa qua, ông Claver-Carone là ứng cử viên duy nhất cho vị trí Chủ tịch IDB. 

Sau khi kết quả được công bố, phát biểu ý kiến với giới truyền thông, ông Claver-Carone đã bày tỏ cảm kích các nước thành viên của IDB đã ủng hộ ông, đồng thời cam kết “sẽ làm việc với các nước thành viên IDB để vạch ra chiến lược củng cố ngân hàng, đáp ứng nhu cầu của khu vực và tạo cơ hội cho sự thịnh vượng chung và tăng trưởng kinh tế”. 

Đây là lần đầu trong lịch sử 60 năm thành lập IDB, lãnh đạo cao nhất không phải người thuộc khu vực Mỹ latin. Trước đó, người Mỹ luôn chỉ đóng vai trò Phó Chủ tịch tổ chức này. Vì vậy, trước thềm cuộc bỏ phiếu, việc Mỹ đề cử ông Claver-Carone làm Chủ tịch IDB đã gây phản ứng khá gay gắt từ các nước có ảnh hưởng trong khu vực, như Argentina, Mexico, Chile và Costa Rica. Tháng trước, bốn quốc gia nói trên và Liên hiệp châu Âu (EU) đã tìm cách trì hoãn cuộc bỏ phiếu của ngân hàng này, nhưng không thành công.

Thậm chí, ngày 11-9 vừa qua, Argentina kêu gọi các nước thành viên bỏ phiếu trắng. Trong một tuyên bố, Argentina cho biết việc tổ chức cuộc bỏ phiếu vào ngày 12-9 có nguy cơ làm “sâu sắc thêm sự chia rẽ” trong khu vực. Tuyên bố cho biết thêm: “Bằng cách nêu rõ lập trường của chúng tôi và mời các nước thành viên còn lại của IDB làm điều tương tự là bỏ phiếu trắng trong kỳ họp tiếp theo, chúng tôi cũng nhắc lại quan điểm việc tổ chức sự kiện này trong bối cảnh dịch bệnh là không phù hợp, vì dịch bệnh đã cản trở các cuộc thảo luận kỹ lưỡng về tương lai của IDB”.

Không chỉ các nước trong khu vực, ngay ở nội bộ nước Mỹ, nhiều nghị sĩ có ảnh hưởng thuộc đảng Dân chủ đã phản đối việc ông Claver-Carone được bầu làm lãnh đạo IDB. Thượng nghị sĩ Patrick Leahy của đảng Dân chủ nhấn mạnh: “Người Mỹ latin nên tự vạch ra tương lai của họ. Tôi luôn tin rằng, để đạt được kết quả lâu dài, các quốc gia thuộc khu vực Mỹ latin cần phải chịu trách nhiệm về sự phát triển của chính mình và nước Mỹ chỉ nên đóng vai trò hỗ trợ”. 

Theo CNN, ông Claver-Carone tiếp quản IDB trong bối cảnh Mỹ latin đang gặp khủng hoảng nghiêm trọng vì đại dịch Covid-19. Ước tính số lượng người mắc bệnh tại đây chiếm khoảng 30% các ca mắc toàn cầu, mặc dù dân số của khu vực này chỉ chiếm 8% dân số thế giới. LHQ đánh giá, năm 2020, đại dịch sẽ đẩy 45 triệu người trong khu vực vào cảnh nghèo đói, nâng tổng số người nghèo lên 230 triệu người. Trong khi đó, IDB là nguồn cung cấp tài chính chủ yếu cho các nước thuộc khu vực Mỹ latin và Caribbe, với khoản hỗ trợ khoảng 13 tỷ USD mỗi năm. 

Trong thời gian tới, IDB được dự đoán sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng khi các quốc gia vật lộn với cuộc suy thoái kinh tế lớn. Vì vậy, việc một người Mỹ, vốn được xem là chưa có nhiều kinh nghiệm về quản lý kinh tế vĩ mô, được bầu làm Chủ tịch IDB làm dấy lên quan ngại rằng khu vực Mỹ latin sẽ khó có thể được hỗ trợ đầy đủ và kịp thời.