Chiến dịch làm suy yếu al-Qaeda

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây xác nhận các lực lượng Mỹ đã tiêu diệt thủ lĩnh của nhánh khủng bố al-Qaeda tại bán đảo Arab ở Yemen. Đây được xem là đòn mới giáng mạnh vào al-Qaeda, song mới chỉ khiến mạng lưới khủng bố này suy yếu.

Máy bay không người lái của Mỹ đã tiêu diệt nhiều phần tử al-Qaeda tại Yemen. Ảnh: REUTERS
Máy bay không người lái của Mỹ đã tiêu diệt nhiều phần tử al-Qaeda tại Yemen. Ảnh: REUTERS

Trong một tuyên bố của Nhà trắng, Tổng thống Trump nêu rõ Mỹ “đã tiến hành một chiến dịch chống khủng bố tại Yemen và đã tiêu diệt thành công Qassim al-Rimi, kẻ sáng lập và là thủ lĩnh của nhánh al-Qaeda tại bán đảo Arab (AQAP)”. Mỹ từng liệt AQAP là một trong những tổ chức gây nhiều thương vong nhất thuộc mạng lưới al-Qaeda do Osama Bin Laden thành lập.

AQAP bị quy trách nhiệm cho nhiều hành vi bạo lực nhằm vào dân thường tại Yemen cũng như các vụ tiến công lực lượng Mỹ. AQAP hôm 2-2 đã thừa nhận gây ra vụ xả súng tại một căn cứ hải quân của Mỹ, trong đó, một sĩ quan Saudi Arabia đã sát hại ba lính thủy Mỹ và bắn bị thương tám người khác. Theo CNN, trong một đoạn ghi âm, thủ lĩnh AQAP Qassim al-Rimi đã thừa nhận nhóm này đứng sau vụ tiến công. Trước đó, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) xác định danh tính thủ phạm là thiếu úy Mohammed Saeed Alshamrani, 21 tuổi, người Saudi Arabia.

Reuters cho biết, al-Rimi là kẻ gắn liền với nhiều vụ tiến công khủng bố từ những năm 90 của thế kỷ trước. Năm 2015, al-Rimi được đưa lên làm thủ lĩnh của AQAP sau cái chết của cựu thủ lĩnh Nasir al-Wuhayshi, kẻ cũng bị Mỹ tiêu diệt trong một chiến dịch đột kích chống khủng bố. Thủ lĩnh khủng bố al-Rimi từng bị kết án 5 năm tù vào năm 2005 vì âm mưu ám sát Đại sứ Mỹ tại Yemen. Tuy nhiên, năm 2006, y trốn thoát và Bộ Ngoại giao Mỹ đã treo thưởng 10 triệu USD cho người nào cung cấp thông tin về chỗ ẩn náu của al-Rimi.

Theo giới quan sát, nếu Iraq được xem là cái nôi của al-Qaeda thì Yemen lại là địa bàn hoạt động tích cực của nhóm khủng bố này, thậm chí trước cả thời điểm al-Qaeda gây ra loạt vụ tiến công ở thành phố New York (Mỹ) ngày 11-9-2001, khiến gần 3.000 người chết. Sau sự kiện này, Washington tiến hành nhiều vụ tiến công nhằm vào những kẻ đầu sỏ của al-Qaeda, bao gồm không kích bằng máy bay không người lái. Đến đầu năm 2009, AQAP trỗi dậy và sớm được coi là chân rết nguy hiểm nhất của al-Qaeda. Từ đó đến nay, Mỹ thực hiện hàng trăm cuộc không kích nhằm vào AQAP. Cuối năm 2014, khi phiến quân Hồi giáo Houthi trỗi dậy và chiếm giữ Thủ đô Sana’a, AQAP lợi dụng tình trạng hỗn loạn về an ninh đã giành quyền kiểm soát thành phố Mukalla, vốn có bến cảng lớn thứ ba của Yemen, biến nơi đây trở thành cái gọi là “vùng lãnh thổ của al-Qaeda”.

Theo Tổng thống Trump, cái chết của thủ lĩnh al-Rimi sẽ làm suy giảm AQAP và phong trào toàn cầu của al-Qaeda, cũng như xóa bỏ các mối đe dọa nhắm vào an ninh quốc gia Mỹ. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng al-Qaeda sẽ hồi sinh ở Iraq, sau thời gian dài bị lu mờ trước tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Khi al-Qaeda trỗi dậy năm 2007, Mỹ cùng lực lượng dân quân người Hồi giáo dòng Sunni thân Chính phủ Iraq đã đánh bại tổ chức này. Nhưng đến năm 2010, al-Qaeda được cho “cơ bản vẫn giống như trước”. Cuộc xung đột ở quốc gia láng giềng Syria trong năm sau đó, kéo theo sự quan tâm của Mỹ và các lực lượng nước ngoài, đã dành cho các tay súng al-Qaeda thời gian “nghỉ xả hơi” cần thiết để tổ chức lại lực lượng.

Không chỉ có nguy cơ hồi sinh ở Iraq, theo một báo cáo do Nhóm theo dõi trừng phạt và hỗ trợ phân tích thuộc Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ công bố cuối năm ngoái, al-Qaeda vẫn là một lực lượng đáng kể ở Afghanistan và các thành viên của mạng lưới này tiếp tục hoạt động trong vai trò hướng dẫn về quân sự và tôn giáo cho nhóm phiến quân Taliban. Nhờ mối quan hệ lâu đời và bền chặt với các thủ lĩnh của Taliban, al-Qaeda tiếp tục xem Afghanistan là nơi trú ẩn an toàn cho các thủ lĩnh của nhóm này.

Do đó, chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh AQAP mới đây của Mỹ chỉ có thể làm suy yếu tạm thời mạng lưới al-Qaeda, bởi nhóm này sẽ tìm cách đưa một đối tượng khác lên thay thế nhằm củng cố hoạt động. Về lâu dài, HĐBA LHQ khuyến nghị giới chức các quốc gia cần có thêm giải pháp phối hợp trên nhiều lĩnh vực liên quan an ninh nhằm giám sát và ngăn chặn các hoạt động khủng bố hiệu quả hơn.