Chia rẽ trên chính trường Italia

Bộ trưởng Giáo dục Italia, ông Lorenzo Fioramonti (trong ảnh) đã thông báo từ chức sau khi không nhận được ngân sách mong muốn nhằm cải thiện hệ thống trường học tại nước này. Quyết định của ông Fioramonti được cho là sẽ khiến nội bộ liên minh cầm quyền giữa hai đảng M5S và Dân chủ Italia (PD) chia rẽ ngày một sâu sắc.

Ảnh: REUTERS
Ảnh: REUTERS

Theo The Guardian, ông Fioramonti đã quyết định từ chức Bộ trưởng Giáo dục với lý do chính phủ không phê duyệt khoản ngân sách 3,3 triệu USD mà ông đề xuất để cải thiện điều kiện học tập ở các trường học và hệ thống đại học. Ông Fioramonti xác nhận đã gửi “quyết định từ chức không thể thay đổi” tới Thủ tướng Giuseppe Conte hôm 23-12 vừa qua, song nhấn mạnh với vai trò là Phó Chủ tịch Hạ viện, ông vẫn sẽ ủng hộ chính phủ dù không còn là bộ trưởng.

Phát biểu ý kiến với báo giới, Bộ trưởng Giáo dục Italia cho biết, theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác & Phát triển Kinh tế (OECD), Italia chi 3,6% GDP cho giáo dục đại học, thấp hơn so mức chi trung bình 5% của 32 quốc gia được đề cập trong báo cáo này. Do đó, ngay sau khi Chính phủ Italia được thành lập vào tháng 9 vừa qua, với cương vị người đứng đầu Bộ Giáo dục, ông đã kiến nghị tăng thêm 3,3 tỷ USD cho ngân sách giáo dục trong năm 2020. Theo ông Fioramonti, chính phủ thừa nhận khoản ngân sách trên là cần thiết, song các đảng phái trong liên minh cầm quyền Italia lại không đạt được đồng thuận.

Ông Lorenzo Fioramonti, 42 tuổi, là cựu giảng viên kinh tế tại Trường đại học Pretoria của Nam Phi. Ông đã xuất bản 10 cuốn sách về kinh tế, trong đó có những cuốn có tầm ảnh hưởng lớn. Ông bắt đầu sự nghiệp chính trị vào năm 2018, với vai trò là thành viên đảng M5S. Tháng 9 vừa qua, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giáo dục Italia.

Trong sự nghiệp chính trị, ông Fioramonti từng đề xuất áp mức thuế mới đối với vé máy bay, sản phẩm nhựa, thực phẩm có đường cho tới tăng ngân sách cho giáo dục… Những ý kiến này đã vấp phải sự phản đối do cho rằng người dân Italia đang bị đánh thuế quá cao. Tuy nhiên, theo ông Fioramonti, đây là những biện pháp giúp giảm bớt việc tiêu thụ các sản phẩm có hại cho môi trường hay con người, đồng thời tạo thêm nguồn thu để đầu tư vào giáo dục, phúc lợi, hoặc góp phần giảm thuế thu nhập.

Ngoài ra, ông Fioramonti cũng được biết đến là một nhà vận động vì môi trường. Với quan điểm ủng hộ các “chính sách xanh”, đầu tháng 11 vừa qua, ông tuyên bố trong năm tới Italia sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa vấn đề biến đổi khí hậu và phát triển bền vững vào chương trình học bắt buộc tại các nhà trường. Đầu tháng 12, ông cũng đề xuất tạm dừng hoạt động khai thác dầu của công ty năng lượng khổng lồ ENI của Italia để tập trung vào năng lượng tái tạo.

Trong cuộc họp báo sau khi tuyên bố từ chức, ông Fioramonti cho biết, ông luôn thiếu sự hỗ trợ từ chính phủ với các đề xuất chính đáng để bảo vệ môi trường. Theo Reuters, việc ông Fioramonti tuyên bố từ chức được cho là một đòn mạnh giáng vào chính phủ mới được thành lập ít lâu của Italia. Trên thực tế, đảng M5S và đảng PD trong liên minh cầm quyền lâu nay vẫn “cơm chẳng lành, canh không ngọt”. Hai đảng này thường xuyên bất đồng trong nhiều vấn đề, từ cải cách Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cho đến các quyền của người nhập cư…

Theo nhận định của giới phân tích, quyết định từ chức của ông Fioramonti cũng cho thấy những chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng M5S, vốn đang nỗ lực tái cơ cấu trong bối cảnh ngày càng nhiều thành viên tỏ ra bất mãn với Chủ tịch đảng Luigi Di Maio. Trước đó, trong tháng này, có tới ba Thượng nghị sĩ thuộc M5S đã quyết định rời khỏi đảng này để gia nhập đảng cánh hữu đối lập Liên đoàn phương Bắc. Qua đó cho thấy chia rẽ ngày càng khó hàn gắn trên chính trường Italia liên quan nhiều vấn đề, báo hiệu một giai đoạn khó khăn mới của chính phủ “đất nước hình chiếc ủng”.