Căng thẳng chính trị tại Guinea

Từ ngày 22-3 tại Guinea, các vụ bạo lực tiếp tục gia tăng khiến nhiều người thiệt mạng tại miền nam nước này, sau khi Chính phủ Guinea tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về việc sửa đổi Hiến pháp gây nhiều tranh cãi. Trong khi Chính phủ Guinea cho rằng, sửa đổi Hiến pháp để bảo đảm bình đẳng giới thì nhiều ý kiến lại lo ngại Tổng thống Alpha Conde (trong ảnh) sẽ sử dụng Hiến pháp mới để tiếp tục ứng cử và cầm quyền nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp.

Ảnh: BLOOMBERG
Ảnh: BLOOMBERG

Những vụ bạo lực nghiêm trọng nhất xảy ra tại Nzerekore, thành phố lớn thứ hai của Guinea giáp biên giới Liberia từ ngày 22-3, khiến nhiều người chết. Từ tháng 10-2019, việc Tổng thống Guinea, Alpha Conde lên kế hoạch trưng cầu ý dân nhằm sửa đổi Hiến pháp đã “châm ngòi” cho một cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng. Ban đầu là các cuộc diễu hành lớn, sau đó bạo lực leo thang khiến tổng cộng 32 người thiệt mạng tính tới nay.

Theo Hiến pháp hiện tại của Guinea, ông Alpha Conde (81 tuổi), được bầu làm tổng thống nhiệm kỳ đầu vào năm 2010, sẽ kết thúc nhiệm kỳ thứ hai vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, dự thảo Hiến pháp lại có điều khoản cho phép ông Conde tiếp tục ứng cử và cầm quyền nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp. Giải thích về lập trường sửa đổi Hiến pháp của Chính phủ, ông Gabriel Curtis, Bộ trưởng Đầu tư Guinea cho rằng: “Bỏ phiếu về Hiến pháp mới là cần thiết cho tiến trình dân chủ. Tôi nghĩ mọi người đều muốn có một Hiến pháp phản ánh rõ hơn về khát vọng của người Guinea”.

Sau nhiều thập kỷ cai trị hà khắc của các chính quyền quân sự độc tài trước đây, người Guinea không chấp nhận những thay đổi chính trị và kinh tế quốc gia mà không thông qua việc bỏ phiếu dân chủ, công khai và minh bạch. Tuy nhiên, theo một khảo sát mới đây của trang Afrobarometer, có tới 77% người dân tin rằng cuộc trưng cầu ý dân vừa qua là thiếu minh bạch. Trải qua hai nhiệm kỳ, tỷ lệ ủng hộ chính quyền của ông Conde cũng ở mức thấp kỷ lục, khi có tới 63% người dân tin rằng đất nước đang phát triển sai hướng và 53% người dân không còn tin tưởng vào sự lãnh đạo của chính phủ hiện thời. Ông Cellou Dalein Diallo, lãnh đạo phe đối lập khẳng định: “Nếu ông Conde kiên trì thay đổi Hiến pháp chống lại ý chí của người dân, nguy cơ đối đầu rõ ràng có thể xảy ra, dẫn đến bạo lực đe dọa hòa bình và ổn định ở Guinea”.

Hiện tại, đảng cầm quyền “Rally of the Guinean People” (RPG) của ông Conde đang nắm giữ nhiều ghế trong Quốc hội, nhưng nếu các đảng đối lập liên minh lại sẽ chiếm đa số ghế. Để tránh gặp phải sự phản đối của các đảng phái trong Quốc hội, ông Conde đã tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân công khai, ấn định thời gian cụ thể vào ngày 22-3. Trước đó, tranh thủ sự ủng hộ Chủ tịch Quốc hội và các lãnh đạo của Tòa án Hiến pháp, dự thảo Hiến pháp mới đã được thông qua vào tháng 12-2019. Bởi vậy, Tổng thống Guinea tuyên bố “đã có đủ sự hỗ trợ cần thiết để tiến hành kế hoạch sửa đổi Hiến pháp”.

Kể từ tháng 7-2018, Chính phủ Guinea đã cấm các cuộc diễu hành và coi hành động này là mối đe dọa an ninh. Trên thực tế, cảnh sát đã tiến hành nhiều biện pháp trấn áp mạnh tay các cuộc diễu hành bằng vòi rồng, đạn nhựa hoặc hơi cay. Tuy nhiên, điều này đã không ngăn được hàng nghìn người xuống đường trên cả nước trong nhiều tháng qua nhằm phản đối cuộc trưng cầu ý dân của ông Conde. Kể từ ngày 14-10-2019, một liên minh được thành lập bao gồm các đảng đối lập và nhiều tổ chức phi chính phủ mang tên “Mặt trận Quốc gia Bảo vệ Hiến pháp” (FNDC), đã tổ chức các cuộc diễu hành và đình công ở Thủ đô Conakry cùng nhiều thành phố khác.

Trước tình hình trên, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres và các nước thành viên Cộng đồng Kinh tế của các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã lên án những vụ bạo lực ở Guinea, đồng thời kêu gọi tất cả các bên kiềm chế. Công tố viên trưởng Fatou Bensouda của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) cảnh báo: “Nếu tất cả các bên liên quan không kiềm chế bạo lực và tiếp tục đối thoại hòa bình, sẽ rất khó giảm thiểu thương vong”. Trên mạng Twitter, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo cho rằng: “Chính phủ Mỹ đã thảo luận về cuộc bầu cử sắp tới của Guinea và nhấn mạnh lại yêu cầu quan trọng nhất là thực hiện quá trình chuyển giao quyền lực hợp hiến, minh bạch vì một nền dân chủ thịnh vượng”.