Bê bối chấn động nước Pháp

Một tòa án Pháp mới đây tuyên phạt Tập đoàn dược phẩm Servier của nước này liên quan các cáo buộc gian lận về sản phẩm thuốc giảm cân và điều trị bệnh tiểu đường. Bê bối cho thấy những lỗ hổng trong công tác quản lý dược phẩm của giới chức y tế Pháp.

Ông Jean-Philippe Seta lĩnh án bốn năm tù giam trong phiên tòa ngày 29-3. Ảnh: AFP
Ông Jean-Philippe Seta lĩnh án bốn năm tù giam trong phiên tòa ngày 29-3. Ảnh: AFP

Ngày 29-3 vừa qua, một tòa án tại Pháp đã tuyên bố Tập đoàn dược phẩm Servier phạm tội ngộ sát và lừa dối khách hàng, sau khi hàng trăm người chết vì sử dụng thuốc giảm cân và điều trị bệnh tiểu đường Mediator của hãng này trong suốt nhiều năm. Hãng dược này sẽ phải chịu án phạt 2,7 triệu euro (khoảng 3,2 triệu USD). Cựu Phó Giám đốc của Servier, ông Jean-Philippe Seta cũng bị lĩnh án bốn năm tù giam. Ngoài ra, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Pháp cũng bị tòa tuyên án phạt 303.000 euro (khoảng 355.000 USD) vì các cáo buộc lơ là chức trách. 

Theo Les Echos, trong suốt 33 năm được bán trên thị trường, Mediator đã được khoảng 5 triệu người sử dụng trước khi bị thu hồi vào năm 2009, do lo ngại loại thuốc này có thể gây các bệnh về tim mạch. Các chuyên gia y tế cho biết, ban đầu Mediator chủ yếu dành cho người mắc bệnh tiểu đường, nhưng sau đó trở thành loại thuốc chống thèm ăn và giảm cân được nhiều người tại Pháp, Mỹ và các quốc gia châu Âu ưa chuộng. Tuy nhiên, loại thuốc này bị cho là nguyên nhân gây ra 500 ca tử vong ở Pháp. Các chuyên gia y tế thậm chí còn nghi ngờ rằng con số người thiệt mạng vì loại thuốc này có thể lên đến hơn 2.000 người.

Mediator từng là một trong 50 loại thuốc được kê đơn nhiều nhất ở Pháp. Tuy nhiên, năm 2009, sau khi xuất hiện nhiều nghi ngờ về tác dụng phụ của loại thuốc này, giới chức Pháp đã mở cuộc điều tra và đưa Mediator vào danh sách các mặt hàng bị cấm lưu hành tại Mỹ và một số quốc gia châu Âu, trong đó có Tây Ban Nha và Italia. Thời điểm đó, Tập đoàn Servier phải đối mặt với gần 10.500 đơn kiện của khách hàng đề nghị bồi thường thiệt hại, với tổng số tiền lên đến hơn một tỷ USD. 

Trong một cáo trạng dài 677 trang, Servier bị cáo buộc cố tình che giấu tác dụng phụ của thuốc Mediator, dẫn tới hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe đối với các nạn nhân. Nhiều người còn cáo buộc Tập đoàn Servier đã sử dụng các chiêu trò vận động hành lang để thuốc Mediator vẫn liên tục xuất hiện trên thị trường trong hàng chục năm, bất chấp những cảnh báo khác nhau về loại thuốc này. Tuy nhiên, Tập đoàn Servier thời điểm đó liên tục phủ nhận các cáo buộc và cho biết không hề nói dối khách hàng về tác dụng phụ của thuốc Mediator, cũng như không biết đến những rủi ro đối với người dùng cho đến thời điểm thuốc bị thu hồi.

Bê bối thuốc giảm cân Mediator từng gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông ở Pháp trong suốt nhiều năm. Làn sóng phản đối mạnh mẽ đến mức, năm 2011, ông Jean Marimbert - người đứng đầu Cơ quan vì sự an toàn của các sản phẩm chăm sóc sức khỏe Pháp (Afssaps), tiền thân của Cơ quan an ninh quốc gia về các sản phẩm sức khỏe và dược phẩm Pháp (ANSM), phải từ chức. Các công tố viên Pháp khi đó đã đề nghị tòa án tuyên án 5 năm tù giam đối với ông Jean-Philippe Seta. Tổng cộng 11 người khác cũng bị đưa ra xét xử, trong đó có một số quan chức thuộc ANSM, các chuyên gia tư vấn thuốc và đặc biệt là cựu Thượng nghị sĩ Marie-Therese Hermange, người từng công khai ủng hộ Tập đoàn dược Servier. Không chỉ vậy, Tập đoàn Servier còn bị đề nghị nộp phạt 8,2 triệu euro (tương đương 9,3 triệu USD) vì tội che giấu các nguy cơ tiềm ẩn của thuốc giảm cân Mediator, trong khi ANSM bị yêu cầu chịu mức phạt 200.000 euro (khoảng 234.000 USD) với lý do “không hoàn thành nhiệm vụ”.

Dù vụ việc này đã đi đến hồi kết, song giới phân tích nhận định đây là một trong những bê bối về sức khỏe chấn động nhất nước Pháp, do khiến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người tử vong, nhiều người khác phải mang di chứng suốt đời. Vụ việc cũng cho thấy những thiếu sót trong công tác quản lý dược phẩm tại Pháp, đặt ra yêu cầu các cơ quan chức năng phải có những biện pháp mạnh tay kiểm soát dược phẩm.