Bê bối chấn động nước Pháp

Một tòa án ở Thủ đô Paris (Pháp) mới đây ra thông báo, cựu Tổng thống nước này, ông Nicolas Sarkozy (trong ảnh) sẽ phải hầu tòa vào tháng 10 tới vì các cáo buộc hối lộ. Nếu phiên tòa diễn ra như dự kiến, ông Sarkozy sẽ trở thành cựu Tổng thống Pháp đầu tiên bị đưa ra xét xử với tội danh này.

Ảnh: AFP
Ảnh: AFP

Theo thông báo của tòa án ở Paris, phiên xét xử sẽ kéo dài từ ngày 5 đến 22-10. Đây sẽ là phiên tòa đầu tiên sau quá trình điều tra các cáo buộc chống lại ông Sarkozy. Ông Sarkozy bị bắt giữ vào tháng 3-2018, với cáo buộc nhờ luật sư của mình là Thierry Herzog tìm cách sở hữu thông tin mật từ Thẩm phán Gilbert Azibert năm 2014. Các thẩm phán tòa phúc thẩm đã bác đơn kháng cáo do ông Sarkozy, luật sư Herzog và Thẩm phán Azibert đưa ra liên quan vụ việc này.

Ông Nicolas Sarkozy, 65 tuổi, sinh ra trong một gia đình có cha là người Hungary, mẹ là người Pháp. Không giống hầu hết quan chức trong chính quyền Pháp, ông Sarkozy không tốt nghiệp Trường Hành chính Quốc gia mà học ngành luật tại Trường đại học Paris Nanterre. Ông bắt đầu gây sự chú ý trong sự nghiệp chính trị khi trở thành Thị trưởng Neuilly-sur-Seine, một vùng ngoại ô giàu có của Paris vào năm 1983. Ông cũng từng giữ các chức Bộ trưởng Ngân sách, Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Tài chính trước khi đắc cử Tổng thống Pháp năm 2007.

Kể từ năm 2012, sau khi hết nhiệm kỳ, cựu Tổng thống Pháp phải đối mặt hàng loạt cáo buộc tham nhũng và tài trợ tranh cử trái phép. Tháng 10-2019, một tòa án đã ra phán quyết ông phải bị xét xử về cáo buộc tài trợ tranh cử bất hợp pháp. Nếu bị kết tội, ông có thể phải đối mặt bản án một năm tù giam và nộp một khoản tiền phạt. Trong vụ việc này, cơ quan công tố cho biết ông Sarkozy đã chi gần 48 triệu USD cho nỗ lực tái tranh cử bất thành năm 2012, gần gấp hai lần giới hạn cho phép là 25 triệu USD. Tuy nhiên, ông Sarkozy cho biết không hề có thông tin về việc gian lận của Bygmalion, công ty quan hệ công chúng hỗ trợ chiến dịch tranh cử của ông. Các lãnh đạo công ty này hiện cũng nằm trong danh sách 13 người bị điều tra trong vụ án gian lận kể trên.

Ngoài ra, ông Sarkozy còn bị cáo buộc đã nhận tiền tài trợ lên tới 60 triệu USD từ cố lãnh đạo Libya, ông Muammar Gadhafi trong chiến dịch tranh cử tổng thống lần đầu của mình năm 2007. Trong khi đó, luật pháp nước Pháp quy định số tiền quyên góp tối đa cho một ứng viên tổng thống là khoảng 9.200 USD. Số tiền 60 triệu USD kể trên được cho là đã “được rửa” thông qua các tài khoản ngân hàng ở Panama và Thụy Sĩ, các nước được gọi là “thiên đường thuế”.

Trước các cáo buộc, ông Sarkozy nhiều lần lên tiếng bác bỏ. Tuy nhiên, trang thông tin Mediapart hồi tháng 4-2012 đã công bố một tài liệu viết bằng tiếng Arab, do tướng tình báo của ông Gadhafi là ông Mussa Kussa ký năm 2006, trong đó nhắc đến khoản tài trợ kể trên cho chiến dịch tranh cử của ông Sarkozy. Không chỉ vậy, Saif al-Islam Gaddafi, con trai ông Gadhafi, từng tuyên bố có bằng chứng Libya đã tài trợ cho ông Sarkozy tranh cử và yêu cầu ông phải trả lại số tiền này.

Năm 2016, doanh nhân Ziad Takieddine đã bị bắt giữ về tội đồng phạm nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để kinh doanh và chiếm đoạt công quỹ, cũng khẳng định ông từng nhận tiền từ lãnh đạo tình báo của ông Gadhafi và giao số tiền này cho ông Sarkozy.

Theo Le Monde, cuộc điều tra nhắm vào cựu Tổng thống Pháp bắt đầu được triển khai từ tháng 4-2013. Tuy nhiên cho đến nay, ông Sarkozy đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc. Đây được cho là bê bối chính trị, tài chính lớn nhất ở Pháp trong nhiều năm qua. Trước ông Sarkozy, Tổng thống Jacques Chirac, người vừa qua đời tháng 9-2019, cũng từng bị đưa ra xét xử vì sử dụng sai công quỹ song ông đã được tuyên trắng án sau đó.