Bất đồng nối tiếp

Vừa qua, Bộ trưởng Tư pháp Brazil Sergio Moro (trong ảnh) thông báo từ chức khi cho rằng, Tổng thống Jair Bolsonaro can thiệp công tác thực thi pháp luật. Quyết định từ chức của ông Sergio Moro, người được ví là “siêu Bộ trưởng”, tạo ra những bất đồng và rạn nứt, làm gia tăng những khó khăn cho Chính phủ Brazil.

Ảnh: GUARDIAN
Ảnh: GUARDIAN

Trong thông báo từ chức, ông Moro phản đối việc Tổng thống Bolsonaro đã sa thải Giám đốc Cảnh sát liên bang Mauricio Valeixo vì những lý do cá nhân và chính trị, bày tỏ lo ngại điều này làm tổn hại uy tín của chính phủ và ngành tư pháp. Ông cũng cáo buộc Tổng thống Brazil can thiệp các cuộc điều tra của cảnh sát vì mục đích chính trị, vi phạm cam kết thúc đẩy cuộc chiến chống tham nhũng mà chính Tổng thống Bolsonaro đã tuyên bố trước đó.

Theo The Guardian, ông Sergio Moro (47 tuổi) được coi là một ngôi sao trên chính trường Brazil, một trong những nhân vật nổi tiếng và quyền lực trong chính quyền hiện nay. Ông trở thành biểu tượng chống tham nhũng tại Brazil vì đã có các hành động quyết đoán trong những cuộc điều tra khi còn trên cương vị là một thẩm phán. Ông Moro từng phanh phui nhiều vụ tham nhũng lớn, đưa nhiều chính trị gia, doanh nhân quyền lực ra ánh sáng, trong đó có cựu Tổng thống Lula da Silva. Song, căng thẳng đã liên tục gia tăng giữa cựu Thẩm phán Moro và Tổng thống Jair Bolsonaro liên quan một số vấn đề.

Trước đó, Tổng thống Bolsonaro đã cách chức Giám đốc Cảnh sát liên bang Mauricio Valeixo, người được xem là trợ tá thân cận của ông Moro, nhưng không công bố lý do cụ thể. Nhà lãnh đạo sau đó bổ nhiệm ông Alexandre Ramagem, Giám đốc Cơ quan Tình báo Brazil, thay thế ông Valeixo, mặc dù vị trí Giám đốc Cảnh sát liên bang thường do Bộ trưởng Tư pháp đề cử. Theo ông Moro, Tổng thống Bolsonaro không chỉ can thiệp công việc chống tham nhũng của cảnh sát mà còn có ý định thay thế nhân sự bằng người thân thuộc để có thể cung cấp thông tin, báo cáo tình báo.

Báo chí Brazil cũng đặt nghi vấn về sự ra đi của người đứng đầu ngành tư pháp giữa lúc cảnh sát đang tiến hành cuộc điều tra nhằm vào một mục tiêu được cho là “rất nhạy cảm”, đó là con trai của Tổng thống, ông Carlos Bolsonaro. Ông này là Ủy viên Hội đồng thành phố Rio và đang phải đối mặt cáo buộc liên quan sai phạm tại văn phòng Hội đồng. Đầu năm ngoái, một người con trai khác của Tổng thống là Thượng nghị sĩ Flavio Bolsonaro cũng vướng cáo buộc tham nhũng, tuy nhiên tòa án tối cao đã tuyên bố dừng cuộc điều tra này lại.

Tổng thống Carlos Bolsonaro đã phủ nhận những nghi vấn trên. Vừa qua, ông Bolsonaro cũng đã bổ nhiệm Tổng Thư ký Văn phòng Tổng thống, ông Jorge Oliveira vào vị trí Bộ trưởng Tư pháp thay ông Moro. Tuy vậy, trong bối cảnh chính phủ của ông đang đối mặt chỉ trích về phản ứng không đủ mạnh đối với dịch Covid-19, những xáo trộn trong hàng ngũ nhân sự khiến uy tín của chính phủ giảm mạnh. Ông Moro là bộ trưởng thứ hai rời khỏi chính quyền Tổng thống Bolsonaro chỉ trong hơn một tuần. Trước đó, Bộ Y tế nước này cũng đã phải thay thế người đứng đầu. Báo chí Brazil cho biết, đây là hai nhân vật trong nhóm bộ trưởng vận động Tổng thống cần đưa ra các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt hơn và phản ứng một cách khoa học hơn với dịch.

Giới quan sát cũng cho rằng, việc thay thế ông Sergio Moro, vốn là nhân vật nhận được sự ủng hộ rộng rãi của công chúng, có thể khiến áp lực chính trị đối với Tổng thống Bolsonaro gia tăng. Theo đó, thay vì làm gia tăng bất đồng với các thành viên chính phủ, ông Bolsonaro nên tìm kiếm một giải pháp thay thế “an toàn” nhằm tránh gây ra khủng hoảng chính trường trong thời điểm hiện nay. Cử tri cũng mong muốn nhà lãnh đạo Brazil hóa giải căng thẳng để mỗi thành viên trong chính phủ có thể hoàn toàn tập trung vào cuộc chiến chống dịch. Cùng với đó, quốc gia Nam Mỹ cũng đang đứng trước hàng loạt thách thức đến từ các nhiệm vụ chống tham nhũng, tội phạm có tổ chức và bạo lực, mà kể từ khi lên nhậm chức, ông Bolsonaro vẫn chưa thực hiện được như cam kết.