Bất đồng khó hóa giải

Quốc hội Peru thông báo Thủ tướng mới được bổ nhiệm của nước này, ông Pedro Cateriano (trong ảnh) đã không nhận được đủ số phiếu tín nhiệm của cơ quan lập pháp và sẽ buộc phải từ chức cùng toàn bộ 19 bộ trưởng trong Chính phủ. Sự leo thang bất đồng giữa Tổng thống Vizcarra và các đảng phái đối lập trong Quốc hội đã khiến tình hình chính trị, kinh tế - xã hội Peru rơi vào tình trạng bất ổn trầm trọng.

Ảnh: GETTY
Ảnh: GETTY

Tại cuộc bỏ phiếu sau phiên họp kéo dài hơn 20 giờ đồng hồ ngày 4-8 vừa qua, ông Cateriano nhận được 37 phiếu ủng hộ, 54 phiếu chống và 34 phiếu trắng, trong khi tối thiểu cần phải có 66 phiếu ủng hộ để có thể nhận được sự chấp nhận của cơ quan lập pháp đối với danh sách thành viên chính phủ mà ông đệ trình. Trước đó, ngày 15-7, Tổng thống Peru, Martin Vizcarra đã quyết định cải tổ mạnh mẽ chính phủ với việc bổ nhiệm thủ tướng và 11 bộ trưởng mới trong bối cảnh uy tín giảm sút nghiêm trọng, cũng như tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế do buộc phải áp dụng biện pháp cách ly xã hội kéo dài nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.

Chính trường Peru rơi vào khủng hoảng sâu sắc trong nhiều năm, khi mâu thuẫn giữa hai cơ quan hành pháp và lập pháp tiếp tục leo thang, liên quan các cải cách hệ thống chính trị và tư pháp. Tháng 10 năm ngoái, Quốc hội Peru đã tuyên bố thảo luận vấn đề luận tội Tổng thống Vizcarra, đồng thời thông qua nghị quyết đình chỉ chức vụ đối với ông Vizcarra trong thời gian một năm. Nghị quyết nêu rõ, ông Vizcarra không đủ năng lực đạo đức để giữ chức tổng thống. Phe đối lập nhất trí đề cử Phó Tổng thống Mercedes Araoz nhậm chức Tổng thống lâm thời, với lập luận điều này theo đúng quy định của Hiến pháp. Trước đó, trong một phiên họp toàn thể, các nghị sĩ đối lập đã cáo buộc Tổng thống Vizcarra vượt quá ranh giới của Hiến pháp, đồng thời khẳng định họ sẽ tìm cách lật đổ ông, cho rằng ông “thiếu đạo đức để điều hành chính phủ”. 

Trong khi đó, ông Vizcarra cáo buộc phe đối lập cố gắng lợi dụng Quốc hội và tòa án để né tránh các cuộc điều tra hình sự nhằm vào họ. Trong bài phát biểu trên sóng truyền hình quốc gia mới đây, ông Vizcarra lên án một số nhà lập pháp trong Quốc hội đã đặt “lợi ích cá nhân lên trên lợi ích quốc gia”. “Đây là lần đầu sau hơn 20 năm, Quốc hội từ chối một chính phủ mới. Bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế mà chúng ta đang trải qua, Quốc hội đã quyết định gây ra thêm một cuộc khủng hoảng chính trị khác cho đất nước này”, Tổng thống Vizcarra nhấn mạnh.

Cũng trong tháng 10-2019, Tổng thống Vizcarra từng tuyên bố giải tán Quốc hội và các thành viên đảng đối lập. Điều này nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân Peru khi một số nghị sĩ bị nghi dính líu tới các vụ bê bối tham nhũng và nhận hối lộ. Tuy nhiên, hàng chục thành viên của đảng đối lập cho rằng đây là một “cuộc đảo chính” và từ chối rời khỏi Quốc hội. Trước những diễn biến căng thẳng, lực lượng vũ trang và cảnh sát Peru đã tái khẳng định lòng trung thành đối với Tổng thống Vizcarra. Đây được coi là chiến thắng chiến lược dành cho Tổng thống Vizcarra, một nhà chính trị trung dung được lòng cử tri Peru vì tính cách thẳng thắn, dám nói, dám làm và sẵn sàng đấu tranh với tham nhũng. Tuy vậy, ông lại thiếu quyền lực chính trị do đảng của ông lãnh đạo không chiếm đa số ghế ở Quốc hội, trong khi phe bảo thủ đối lập chiếm phần lớn ghế. 

Tháng 1 năm nay, các thành viên Quốc hội mới đã được bầu theo một sắc lệnh của Tổng thống Vizcarra. Tuy nhiên, ngày 8-7 vừa qua, Tổng thống Vizcarra thông báo sẽ tiến hành một tổng tuyển cử mới, dự kiến diễn ra vào ngày 11-4-2021, dù cơ quan lập pháp tuyên bố sẽ lùi thời gian tổ chức sự kiện này do những tác động của đại dịch Covid-19. Thông báo về cuộc tổng tuyển cử nói trên được xem là nấc thang căng thẳng mới giữa Tổng thống Vizcarra và phe đối lập trong Quốc hội, có thể là lý do dẫn đến quyết định bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng Cateriano do ông Vizcarra bổ nhiệm.

Nếu cuộc đấu tranh quyền lực giữa Tổng thống Martin Vizcarra với phe đối lập trong Quốc hội không sớm chấm dứt, điều này sẽ không chỉ khiến chính trường Peru ngày một đình trệ mà còn có thể hủy hoại những thành tựu về kinh tế - xã hội Peru đạt được trong nhiều năm qua.