Báo động nạn bắt cóc ở Haiti

Trong nhiều tháng qua, tình trạng bắt cóc, tống tiền và sát hại dân thường ngày càng trở nên nhức nhối ở Haiti. Dịch Covid-19 đã khiến kinh tế nước này gặp khó khăn, đồng thời gia tăng hoạt động tội phạm gây bất ổn xã hội. Tình trạng này đặt nhà chức trách trước nhiệm vụ bảo đảm an ninh trong bối cảnh cả nước vẫn đang lao đao vì dịch bệnh.

Nạn nhân Olslina Janneus trong vụ bắt cóc đòi tiền chuộc. Ảnh: REUTERS
Nạn nhân Olslina Janneus trong vụ bắt cóc đòi tiền chuộc. Ảnh: REUTERS

Mới đây, dư luận Haiti “dậy sóng” sau thông tin về vụ án bắt cóc và sát hại cô bé 5 tuổi Olslina Janneus. Theo AP, Olslina bị bắt cóc trên đường phố Thủ đô Port-au-Prince vào cuối tháng 1. Theo lời người mẹ là Nadege Saint Hilaire, thi thể của bé được tìm thấy và có dấu hiệu bị siết cổ. Hilaire chỉ là một người bán hàng rong nên số tiền chuộc 4.000 USD mà những kẻ bắt cóc đưa ra là quá sức với gia đình cô. Sau khi thảm kịch xảy ra, một số đài phát thanh địa phương lên tiếng kêu gọi người dân giúp đỡ gây quỹ nhằm trang trải chi phí tang lễ. Thậm chí, Hilaire phải giấu địa điểm nhà ở sau khi nhận được những lời đe dọa từ cùng một băng nhóm sát hại con gái cô vì đã tố cáo chúng.

Sau dịch Covid-19, nạn bắt cóc ở Haiti là cuộc khủng hoảng tiếp theo ập đến quốc đảo Caribbe với khoảng 11 triệu dân này, nguyên nhân bởi tình trạng bất ổn chính trị và kinh tế ngày càng trầm trọng. Theo số liệu chính thức của LHQ, trong năm 2020, số vụ bắt cóc đã tăng gấp ba lần so năm 2019. Luật sư Gedeon Jean, Giám đốc Trung tâm Phân tích và nghiên cứu nhân quyền phi lợi nhuận ở Port-au-Prince cho biết, con số thực có thể cao hơn nhiều vì nhiều người Haiti không dám khai báo các vụ bắt cóc do lo ngại bị các băng nhóm tội phạm trả thù. Ông Jean cũng cho biết, trung tâm đã ghi nhận 796 vụ bắt cóc vào năm 2020.

Ngoài những người nghèo như Saint Hilaire, tội phạm còn nhắm vào các nạn nhân thuộc tầng lớp trung lưu như giáo viên, công chức, chủ doanh nghiệp nhỏ... Bọn tội phạm cho rằng, những mục tiêu như vậy không đủ điều kiện để thuê vệ sĩ nhưng có đủ tài sản và mối quan hệ để trả tiền chuộc. Số các vụ bắt cóc gia tăng đã khiến nhiều người Haiti phải có biện pháp mạnh mẽ hơn để tự bảo vệ. Nhằm phản đối bạo lực và bất ổn an ninh, nhiều nhân viên của các doanh nghiệp đã đình công và không ít người dân cũng xuống đường tuần hành trên toàn quốc trong ngày 15-4. “Tình trạng bắt cóc đang “giết chết” nền kinh tế vốn đã khó khăn. Trong đó, các lĩnh vực như du lịch và giải trí đã hoàn toàn đình trệ, trong khi hoạt động của các băng nhóm tội phạm gia tăng”, nhà kinh tế học người Haiti, Etzer Emile khẳng định.

Tổng thống Haiti, Jovenel Moise nhiều lần khẳng định chính phủ đang làm tất cả những gì có thể và dành nhiều nguồn lực hơn cho các nỗ lực chống nạn bắt cóc. Chính quyền cho biết đã tái lập một ủy ban nhằm giải giáp các thành viên băng đảng và tái hòa nhập họ vào xã hội. Trong năm qua, chính phủ cũng tăng ngân sách cho cảnh sát và tham khảo ý kiến từ các chuyên gia an ninh Colombia, quốc gia từng chống chọi với nạn bắt cóc lan tràn. Trong tháng 3, chính quyền Haiti đã thành lập một đội đặc nhiệm chống bắt cóc, tiến công các tổ chức tội phạm, sử dụng những chiến thuật như truy tìm tiền chuộc đã được rửa, lùng bắt các đối tượng đầu sỏ…

Cuộc đụng độ mới nhất hồi giữa tháng này đã khiến bốn cảnh sát thiệt mạng khi truy bắt những tên tội phạm lẩn trốn trong một khu ổ chuột. Sau đó, chính phủ phải ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một tháng tại các khu dân cư do băng đảng kiểm soát. Mặc dù vậy, số vụ bắt cóc vẫn không có dấu hiệu giảm, khiến chính Tổng thống Moise phải công khai thừa nhận: “Các vụ bắt cóc đã trở nên phổ biến và những nỗ lực chống lại tình trạng mất an ninh dai dẳng chưa đạt được hiệu quả”. Trong bài phát biểu ngày 14-4, Tổng thống Moise đã lựa chọn không tái tranh cử vào tháng 9 tới, nhưng tuyên bố muốn thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc để giải quyết cấp bách và hiệu quả hơn vấn đề mất an ninh ở Haiti.