Algeria điều tra “đại án” tham nhũng

Hai cựu Thủ tướng Ahmed Ouyahia và Abdelmalek Sellal cùng nhiều cựu bộ trưởng và quan chức cấp cao của Algeria mới đây bị triệu tập tới tòa án nhằm điều tra các cáo buộc liên quan các vụ án tham nhũng. Trước đó, hàng loạt tỷ phú giàu bậc nhất nước này cũng đã bị bắt hoặc cấm xuất cảnh do nghi ngờ dính líu vụ án trên.

Cựu Thủ tướng Ahmed Ouyahia. Ảnh: ALARABY
Cựu Thủ tướng Ahmed Ouyahia. Ảnh: ALARABY

Theo CNN, ngày 16-5 vừa qua, Tòa án Sidi M’hamed ở Thủ đô Algiers (Algeria) đã triệu tập hai cựu Thủ tướng Ahmed Ouyahia và Abdelmalek Sellal, cựu Bộ trưởng Tài chính Karim Djoudi và cựu Bộ trưởng Thương mại Amara Benyounes cũng như cựu Thị trưởng Thủ đô Algiers, Abdelkader Zoukh để điều tra những nghi vấn chung quanh các “đại án” tham nhũng. Ngoài những nhân vật kể trên, một số quan chức thuộc những lĩnh vực kinh tế và nhiều doanh nhân cũng bị triệu tập tại tòa án này.

Algeria điều tra “đại án” tham nhũng ảnh 1

Cựu Thủ tướng Abdelmalek Sellal. Ảnh: WP

Các quan chức trên vì bị tình nghi có liên quan vụ án của tỷ phú người Algeria, Ali Haddad, cựu Chủ tịch Diễn đàn giới chủ doanh nghiệp, người bị cáo buộc gây ra nhiều vụ án tham nhũng lớn ở quốc gia Bắc Phi này. Ông Ali Haddad đã bị bắt giữ khi tìm cách trốn qua Tunisia vào đầu tháng 4 vừa qua. Kênh truyền hình quốc gia Algeria EPTV cho biết, cựu Thủ tướng Abdelmalek Sellal (giai đoạn 2012 - 2017) đã được đặt câu hỏi về mối quan hệ với Ali Haddad. Nhiều nguồn tin cho rằng, ông Sellal và ông Ali Haddad có mối quan hệ rất tốt trong nhiều năm, do đó cựu Thủ tướng Algeria đã có các quyết định tạo thuận lợi cho một số dự án mà các công ty của Ali Haddad có liên quan trực tiếp. Ông Sellal cũng bị nghi ngờ gian lận, trốn thuế và biển thủ công quỹ.

Trong khi đó, cựu Thủ tướng Ahmed Ouyahia (giai đoạn 2008 - 2012) cũng bị các nhà điều tra yêu cầu trả lời những câu hỏi về sự thân mật của ông với tỷ phú Ali Haddad. Các công tố viên cáo buộc, trước khi rời chính phủ, ông Ahmed Ouyahia đã cố gắng đưa ra một số quyết định có lợi cho tỷ phú người Algeria trong nhiều chính sách, dự án. Những quyết định này được cho là làm nguy hại đến lợi ích của người dân và lợi ích chung của Algeria. Trước đó, cuối tháng 4, ông Ouyahia cũng từng bị một tòa án khác ở Thủ đô Algiers triệu tập vì cáo buộc “lãng phí của công”.

Hơn một tháng qua, tòa án ở Algeria đã mở chiến dịch điều tra nhiều quan chức cấp cao cũng như các doanh nhân bị tình nghi liên quan những vụ án tham nhũng lớn. Sau ông Ali Haddad - người giàu nhất Algeria, ông Issad Rebrab và bốn tỷ phú khác cũng bị bắt vì các cáo buộc tương tự. Cả năm người này đều có liên hệ với các quan chức cấp cao của quốc gia Bắc Phi và đều bị cho là đã lợi dụng các quan hệ để trục lợi.

Theo Reuters, kể từ ngày 22-2, Algeria phải đối mặt một cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất từ trước tới nay. Đông đảo người dân ở Thủ đô Algiers cũng như trên khắp quốc gia đã xuống đường tuần hành hằng ngày và tập trung đông nhất vào thứ sáu hằng tuần nhằm phản đối Tổng thống Abdelaziz Bouteflika tiếp tục tranh cử nhiệm kỳ thứ năm và yêu cầu thay đổi triệt để hệ thống chính trị nước này. Dưới sức ép của người dân, ngày 2-4 vừa qua, Tổng thống Algeria đã buộc phải từ chức sau hai thập kỷ cầm quyền. Tuy nhiên, sau khi ông từ chức, người dân đã yêu cầu phải thay đổi triệt để bộ máy cầm quyền. Các nhà lãnh đạo của đảng cầm quyền “Mặt trận giải phóng dân tộc” cũng bị yêu cầu rời bỏ chức vụ để nhường chỗ cho những người trẻ tuổi.

Ngoài ra, người dân trên khắp đất nước Algeria cũng đang nỗ lực đấu tranh quyết liệt chống tham nhũng, kêu gọi bắt giữ những cá nhân trong nhiều năm đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trộm cắp của công và làm giàu bất hợp pháp, bao gồm cả việc cố tình đưa người thân của mình vào bộ máy công quyền. Do đó, giới phân tích cho rằng, để có thể đưa đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay, nhiệm vụ hàng đầu của Tổng thống tạm quyền Abdelkader Bensalah là tìm cách mở đường cho một cuộc bầu cử tổng thống mới trong thời gian sớm nhất có thể.