100 phụ nữ quyền lực nhất năm 2020

Ngày 8-12 vừa qua, tạp chí Forbes (Mỹ) đã công bố bảng xếp hạng hằng năm lần thứ 17 về “100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới”. Đây là sự tôn vinh dành cho những gương mặt tiêu biểu của phái nữ trong năm 2020. Tất cả những “bóng hồng” trong danh sách của Forbes đều có điểm chung là họ đã, đang và sẽ là nhân tố quan trọng trong việc định hình thế giới sau một năm đầy biến động.

Một số gương mặt tiêu biểu trong danh sách của Forbes. Ảnh: FORBES
Một số gương mặt tiêu biểu trong danh sách của Forbes. Ảnh: FORBES

Từ năm 2004 tới nay, Forbes đã tổng hợp danh sách “100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới” và đây trở thành một hoạt động hằng năm. Tất cả gương mặt nữ tiêu biểu trong năm được các nhà báo nổi tiếng của tạp chí này lựa chọn dựa trên tầm ảnh hưởng trong các lĩnh vực quan trọng như chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học… hoặc sự cống hiến của họ vì cộng đồng. Trong danh sách lần này, có người đang là nguyên thủ quốc gia; là lãnh đạo các tổ chức, tập đoàn lớn; là nhân vật có tầm ảnh hưởng truyền thông đại chúng hay có đóng góp quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Năm nay, kết quả không bất ngờ khi nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp tục đứng đầu danh sách vì tầm ảnh hưởng và những cống hiến to lớn về chính trị. Vị trí thứ hai thuộc về bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Bà Lagarde cũng từng có nhiều đóng góp quan trọng liên quan chính sách tiền tệ châu Âu và kinh tế thế giới. Sau khi trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ vị trí lãnh đạo ECB từ 1-11-2019 tới nay, bà Lagarde vẫn là nhân tố quan trọng trong các nỗ lực ngăn chặn ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Đứng thứ ba trong danh sách năm nay phải kể tới vị trí của bà Kamala Harris, người được bình chọn với tư cách là nữ phó Tổng thống da mầu đắc cử đầu tiên trong lịch sử Mỹ. Bà Kamala Harris cùng 22 nữ nguyên thủ khác như Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin, Thủ tướng New Zealand Jacinda Arden, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg… là những người đang đóng vai trò quan trọng định hình chương trình nghị sự chính trị của thế giới, đưa ra những quyết sách kinh tế ảnh hưởng chung đến một phần ba GDP toàn cầu và chèo lái quốc gia mình vượt qua đại dịch Covid-19. 

Không chỉ trong lĩnh vực chính trị, danh sách năm 2020 của Forbes thể hiện xu hướng mới khi phụ nữ tham gia sâu rộng hơn bao giờ hết vào nhiều mặt của đời sống. Cụ thể như trong lĩnh vực kinh tế, có sự góp mặt của 12 nữ tỷ phú, với tổng giá trị tài sản lên tới 150,4 tỷ USD. Không ít trong số đó là những người tạo dựng sự nghiệp một cách độc lập, như bà Kiran Mazumdar Shaw, nhà sáng lập công ty dược phẩm sinh học toàn cầu Biocon (Ấn Độ), hay bà Judith Faulkner, người thành lập công ty phần mềm chăm sóc sức khỏe tư nhân Epic Systems (Mỹ). Cũng có những người trở thành tỷ phú nhờ thừa hưởng tài sản từ gia đình, người thân như bà MacKenzie Scott, vợ cũ của ông Jeff Bezos, nhà sáng lập Tập đoàn Amazon (Mỹ). Nhưng điểm chung đáng nói ở chỗ, bất kể những nữ tỷ phú này tích lũy tài sản bằng cách nào, họ đều tích cực sử dụng nguồn lực đó nhằm tạo ra sự thay đổi cho cộng đồng thông qua các hoạt động như mở rộng kinh doanh tạo thêm việc làm, đóng góp cho nhiều hoạt động xã hội, tổ chức phi lợi nhuận và hoạt động từ thiện… 

So các năm trước, điểm khác biệt của danh sách năm 2020 còn nằm ở việc tôn vinh những đại diện phái nữ nổi bật trên mặt trận chống dịch Covid-19. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến vị trí thứ 12 của bà Emma Walmsley, Giám đốc công ty dược phẩm GlaxoSmithKline (Anh), một trong các công ty dẫn đầu trong việc điều chế vaccine chống Covid-19; bà Carol Tome, Giám đốc điều hành công ty vận chuyển hàng hóa đa quốc gia UPS (Mỹ), đang hợp tác chặt chẽ với các nhà sản xuất vaccine để phân phối hàng tỷ liều một cách an toàn tới người bệnh. 

“Từ các nhà lãnh đạo, người sáng lập công ty, tập đoàn cho tới nhà hoạt động xã hội trong danh sách “100 phụ nữ quyền lực nhất năm 2020” là hình mẫu hứa hẹn đem lại sự ổn định sau bối cảnh khủng hoảng toàn cầu. Quyền lực và tầm ảnh hưởng của họ vào năm 2021 sẽ tiếp tục giúp thế giới trở thành một nơi lành mạnh và an toàn hơn cho mọi công dân”, bà Maggie McGrath, biên tập viên cấp cao của Forbes cho biết.