Việt Nam - Ấn Độ thúc đẩy an ninh năng lượng

Các tham luận tại hội thảo “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ về an ninh năng lượng trong bối cảnh mới”, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội, chỉ ra rằng hợp tác năng lượng Việt Nam - Ấn Độ có nhiều tiềm năng phát triển, là cấu phần quan trọng trong quan hệ hợp tác song phương. Hai nước cũng đứng trước nhiều thách thức trong việc ứng phó các biến cố liên quan an ninh năng lượng thời gian tới.

Đại biểu hai nước thảo luận bên lề hội thảo.
Đại biểu hai nước thảo luận bên lề hội thảo.

Là hai nền kinh tế phát triển năng động ở châu Á, Việt Nam và Ấn Độ xác định rõ, an ninh năng lượng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với từng quốc gia, nhất là những nước đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Việt Nam và Ấn Độ sở hữu nhiều nguồn năng lượng đa dạng, nhất là nguồn năng lượng tái tạo. Cơ cấu năng lượng của hai nước có chuyển dịch tích cực, từ chủ yếu khai thác năng lượng hóa thạch truyền thống sang năng lượng tổng hợp với nhiều nguồn năng lượng mới.

GS, TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, với Đề án Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2035, Việt Nam xác định rõ quan điểm, mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo hướng đa dạng hóa nguồn năng lượng, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, phát triển các thị trường năng lượng có năng lực cạnh tranh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Trong khi đó, Ấn Độ nhiều năm qua nỗ lực khắc phục tình trạng thiếu hụt năng lượng bằng cách tìm kiếm, phát triển những nguồn năng lượng mới. Với nhiều điểm chung trong định hướng và chính sách, Việt Nam và Ấn Độ xác định rõ, hợp tác năng lượng là trụ cột thứ ba trong năm trụ cột của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá, hợp tác Việt Nam - Ấn Độ về năng lượng đạt nhiều thành tựu nổi bật, trên bốn lĩnh vực chính: năng lượng hạt nhân, dầu khí, năng lượng điện và năng lượng tái tạo, song chưa tương xứng tiềm năng, kỳ vọng của mỗi nước. Liên quan năng lượng tái tạo, trong bối cảnh thị trường năng lượng tái tạo của Việt Nam còn ở giai đoạn sơ khai, các đại biểu nhận định việc học hỏi kinh nghiệm và chính sách của Ấn Độ về hỗ trợ loại năng lượng này là hướng hợp tác “có lợi” mà Chính phủ Việt Nam có thể đẩy mạnh. Ấn Độ những năm gần đây đã thể hiện tham vọng rất lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Cuối năm 2015, Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu đến năm 2030, năng lượng phi hóa thạch sẽ chiếm 40% tổng công suất điện, trong đó, năng lượng mặt trời được ưu tiên đầu tư phát triển.

Theo GS Jayachandra Reddy, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông - Nam Á và Thái Bình Dương, Đại học Sri Venkateswara (Ấn Độ), nhiều thập niên qua chứng kiến tốc độ gia tăng nhanh chóng của đầu tư nước ngoài vào phát triển năng lượng tái tạo ở Ấn Độ và Việt Nam. Tuy nhiên, hợp tác quốc tế không nên chỉ giới hạn vào thu hút đầu tư cho khu vực năng lượng, mà nên cùng chung tay giải quyết những thách thức chủ chốt, như hậu quả từ sự ấm lên toàn cầu, khí thải gây hiệu ứng nhà kính, bởi những tác động này dẫn đến việc sử dụng và khai thác bất hợp lý các nguồn năng lượng.

Năng lượng là lĩnh vực hoàn toàn có thể gây xung đột thời gian tới. Việt Nam và Ấn Độ đứng trước thách thức cần chuẩn bị tâm thế để ứng phó các biến cố xảy ra. Theo GS Chintamani Mahapatra, Hiệu trưởng Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ), nếu không chuẩn bị tốt cho việc “độc lập về năng lượng”, Ấn Độ và Việt Nam khó có thể đối phó các mối nguy hiểm trong tương lai, liên quan an ninh năng lượng.

Trong bối cảnh Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục coi hợp tác kinh tế -thương mại là trụ cột trong quan hệ hai nước, phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch 15 tỷ USD thời gian tới, Đại sứ Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam Parvathaneni Harish tin tưởng, hợp tác về an ninh năng lượng giữa hai nước ngày càng phát triển, nhất là các dự án năng lượng tái tạo.