Tương lai thị trường lao động trong kỷ nguyên số

Ngày 12-5, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ hai các quan chức cấp cao (SOM-2) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và các cuộc họp liên quan đã diễn ra Hội thảo “Thế giới thông tin về việc làm và thị trường lao động trong kỷ nguyên số”. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của các đại biểu, bởi việc phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số là một ưu tiên hiện nay của các nền kinh tế thành viên APEC, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Một phiên giao dịch việc làm tại Hà Nội.
Một phiên giao dịch việc làm tại Hà Nội.

Công nghệ đang tạo ra những biến đổi về cơ cấu thị trường việc làm nên việc bảo đảm các tầng lớp xã hội tham gia tích cực thị trường lao động và được hưởng lợi từ cuộc cách mạng khoa học hiện nay, còn gọi là cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư (4.0), là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nền kinh tế thành viên APEC. Để thực hiện mục tiêu này, một yếu tố quan trọng là phải thông tin cho người lao động biết được tương lai việc làm và thị trường lao động sẽ thay đổi như thế nào trong kỷ nguyên số.

Tại hội thảo, các đại biểu nhấn mạnh tiến bộ công nghệ đang thay đổi cấu trúc thị trường việc làm. Nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về các nền kinh tế trong khu vực cho thấy công nghệ mới sẽ được áp dụng triệt để trong những ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, dẫn đến khả năng những lao động có trình độ thấp sẽ bị cắt giảm. Tại Thái-lan, tính riêng trong ngành sản xuất ô-tô đã có khoảng 73% số người lao động đang đối mặt nguy cơ bị quá trình tự động hóa thay thế. Còn tại Việt Nam, 75% số người lao động trong ngành điện tử và 86% trong ngành dệt - may, da giày cũng trong tình trạng tương tự.

Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng vấn đề thiếu lao động có kỹ năng ngày càng trở nên trầm trọng do những bất cập trong kết nối cung - cầu lao động, sự chia cắt và phân mảng của thị trường lao động. Đây là các thách thức của APEC trong việc thực hiện cải cách cơ cấu thị trường việc làm nhằm hỗ trợ đầu tư, phát triển nguồn nhân lực và phục hồi thị trường lao động. Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, giảm thời gian kết nối cung - cầu lao động là yêu cầu cấp bách trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay.

TS Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội đã chia sẻ những cơ hội và thách thức của cuộc CMCN 4.0 đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông cho rằng chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần có bước đi phù hợp quá trình đổi mới công nghệ, chuyển đổi cơ cấu lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thách thức về việc làm trong kỷ nguyên số với Việt Nam ngày càng tăng, khi dự báo từ nay đến năm 2025, lực lượng lao động của Việt Nam tăng bình quân hằng năm 1,28%, tương ứng 728.000 người/năm; quy mô lực lượng lao động tăng từ 55,54 triệu người năm 2016 lên 62 triệu người năm 2025. Nếu không có sự chuyển đổi cơ cấu phù hợp, thị trường lao động Việt Nam sẽ bị tác động mạnh do có nhiều lao động tay nghề thấp bị thay thế.

Trong kỷ nguyên số, một mặt công nghệ và số hóa hứa hẹn cải thiện năng suất lao động, tăng sản lượng kinh tế... Song mặt khác, theo ông Bin Hamzah thuộc Bộ Nhân lực Malaysia: “Tôi thấy đang có xu hướng chuyển dịch sang các việc làm đòi hỏi kỹ năng công nghệ, kỹ thuật cao trong kỷ nguyên số. Những công việc đơn giản sẽ trở nên lỗi thời”. Nguy cơ một số công việc không chỉ lỗi thời, mà thậm chí biến mất đang hiển hiện. Câu hỏi đặt ra là tương lai việc làm và thị trường lao động sẽ thay đổi ra sao trong kỷ nguyên số do đó được nhiều quốc gia quan tâm hơn bao giờ hết.

Ông Malcom Greening, Trợ lý Bộ trưởng Việc làm Australia đánh giá, chắc chắn sẽ xuất hiện những công việc đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn, yêu cầu người lao động phải nắm bắt rõ công nghệ để áp dụng vào công việc hằng ngày. Tuy nhiên, vẫn có cơ hội cho những lao động làm các công việc mà tự động hóa không giải quyết được.

Các đại biểu cho rằng, với mục tiêu tăng cường hợp tác khu vực trong phát triển nguồn nhân lực để đối phó những thách thức về việc làm trong kỷ nguyên số, Việt Nam cần tập trung các ưu tiên như phát triển hệ thống thị trường lao động, kỹ năng, giáo dục, dạy nghề và an sinh xã hội; đồng thời bổ sung đội ngũ lao động có trình độ cao, công nhân lành nghề làm việc trong các ngành, lĩnh vực có tác động mạnh tới tốc độ tăng trưởng.