Thúc đẩy phát triển “du lịch xanh”

Khi sự quan tâm của du khách đến môi trường tự nhiên ngày một tăng thì việc phát triển những sản phẩm “du lịch xanh”, gắn với bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững sẽ tăng tính cạnh tranh và hấp dẫn cho điểm đến, nhất là những thị trường du lịch phát triển nhanh và “nóng” như Việt Nam.

Du lịch biển đảo đang phát triển mạnh tại các tỉnh miền trung. Ảnh: ANH QUÂN
Du lịch biển đảo đang phát triển mạnh tại các tỉnh miền trung. Ảnh: ANH QUÂN

Xu hướng toàn cầu

Với gần 30 năm hoạt động và có trụ sở tại 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, một trong những giá trị làm nên thương hiệu của Công ty Exotissimo Travel chính là các chương trình hành động hướng tới phát triển bền vững. Bà Nathalie Termoz, Trưởng đại diện văn phòng Hà Nội của Exotissimo cho biết, ngày càng nhiều du khách quan tâm môi trường và tác động của cá nhân họ tới chung quanh. Bởi thế, công ty đã xây dựng hệ thống đánh giá du lịch trách nhiệm, xếp hạng các hoạt động bền vững của những nhà cung cấp dịch vụ ăn nghỉ, tiêu chí trải nghiệm trong tour du lịch mang tới cho khách hàng. “Phát triển bền vững ở Exo bắt đầu từ những hành động nhỏ như chiến dịch nói “không” với đồ nhựa, giảm tiêu thụ chai nhựa bằng cách cung cấp miễn phí chai có thể nạp lại nước cho khách du lịch thay vì chai nhựa sử dụng một lần…”, bà Nathalie Termoz nhấn mạnh.

Lựa chọn các sản phẩm du lịch thân thiện môi trường là xu hướng của khách du lịch quốc tế, nhất là khách đến từ các nước châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Thái-lan… GS, TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) cho biết, theo nghiên cứu của Tổ chức SNV của Hà Lan, 52% du khách có xu hướng thích đặt tour qua các hãng lữ hành được chứng nhận có điều kiện làm việc tốt, tham gia bảo vệ môi trường và hỗ trợ hoạt động từ thiện ở địa phương.

Trong khu vực, Indonesia và Thái-lan - hai quốc gia phát triển mạnh du lịch, đã áp dụng nhiều chính sách phát triển “du lịch xanh” từ nhiều năm trước. Từ năm 2004, Indonesia đã xây dựng mô hình du lịch “Cộng đồng xanh” và thông qua tiêu chuẩn “Khách sạn xanh” từ năm 2007. Năm 2016, Indonesia đã tiến hành xếp hạng 100 điểm đến xanh hàng đầu để khích lệ phát triển du lịch. Còn Thái-lan đã đưa ra những khái niệm du lịch xanh: “Vận chuyển xanh”, “Điểm đến xanh”, “Hoạt động xanh”, “Dịch vụ xanh”… để làm tiêu chí đánh giá và chứng nhận trong du lịch.

Đầu tư đồng bộ cho phát triển

Những năm vừa qua, khách du lịch đến Việt Nam có xu hướng chọn các tour du lịch, khách sạn, khu du lịch và các dịch vụ, hàng hóa bền vững, có gắn nhãn sinh thái, thân thiện môi trường. Một số địa phương, công ty lữ hành, khách sạn đã có sự chú ý phát triển “du lịch xanh”, như một số tỉnh Tây Bắc phát triển du lịch cộng đồng, Huế phát triển du lịch nhà vườn, Nha Trang phát triển du lịch biển, đảo hay một số tỉnh Nam Bộ phát triển du lịch miệt vườn gắn với tuyên truyền, bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, việc phát triển “du lịch xanh” ở Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ, theo phong trào hoặc chỉ được thực hiện ở một bộ phận rất nhỏ các doanh nghiệp, địa phương. Vừa qua, tại Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM 2019, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Lê Quang Tùng đã thừa nhận: “Chúng ta cũng đã chứng kiến nhiều bài học, nhiều kinh nghiệm cả trong và ngoài nước liên quan việc sử dụng lãng phí tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển du lịch. Do đó, phát triển “du lịch xanh” đã trở thành nguyên tắc, một xu thế chung được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn và các sản phẩm du lịch xanh luôn được du khách quan tâm, đón nhận”.

Để tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”, về tổng thể, để phát triển “du lịch xanh” thì cần có sự đầu tư đồng bộ, tạo dựng hệ tiêu chuẩn chung để làm tiêu chí đánh giá cho doanh nghiệp cũng như điểm đến. Ông Steven Schipani thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, trong giai đoạn 2003 – 2019, ADB đã đầu tư bốn dự án đầu tư công để Việt Nam cải thiện hạ tầng, xây dựng các công trình ứng phó biến đổi khí hậu ven biển, cũng như xây dựng năng lực quản lý điểm đến, nhận thức về du lịch… Bên cạnh đó, ADB cũng thúc đẩy hợp tác trong vùng thông qua các dự án xây dựng các tiêu chuẩn du lịch chung như “Khách sạn xanh ASEAN”, thành phố du lịch sạch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê.