Tăng cường hợp tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch

Trong hai ngày 4 và 5-11, tại Hà Nội, ông Morten Bæk, Quốc vụ khanh phụ trách lĩnh vực Khí hậu, Năng lượng và Hạ tầng Đan Mạch đã có chuyến thăm và làm việc với nhiều lãnh đạo nước ta nhằm tăng cường hợp tác giữa hai chính phủ trong lĩnh vực năng lượng.

Lễ công bố Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2019. Ảnh: ĐSQ ĐAN MẠCH
Lễ công bố Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2019. Ảnh: ĐSQ ĐAN MẠCH

Chuyến thăm còn mang ý nghĩa đặc biệt hơn khi Quốc vụ khanh Morten Bæk công bố Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2019 (EOR19), đề xuất Chính phủ Việt Nam những lộ trình phát triển năng lượng với chi phí thấp nhưng bền vững.

Trong chuyến thăm lần này, ông Morten Bæk đã gặp gỡ và trao đổi với một số quan chức Việt Nam về nhiều vấn đề quan trọng, như giảm phát thải CO2 trong ngành năng lượng, thúc đẩy hợp tác trong giai đoạn tiếp theo của Chương trình hợp tác đối tác năng lượng giữa hai nước (DEPP), đẩy mạnh những hoạt động cấp quốc gia về chống biến đổi khí hậu (BĐKH) và nâng cấp quan hệ thương mại Việt Nam - Đan Mạch.

Được đặt nền móng từ tuyên bố chung giữa hai chính phủ về quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực BĐKH, môi trường, năng lượng và tăng trưởng xanh vào tháng 11-2011, chương trình DEPP ra đời năm 2013 và hiện đã sắp hết giai đoạn hai (2017 - 2020). Đây là thành quả hợp tác giữa Cục Năng lượng Đan Mạch và Bộ Công thương Việt Nam nhằm xây dựng quy hoạch phát triển dài hạn cho ngành năng lượng, tích hợp năng lượng tái tạo (NLTT) vào hệ thống điện và giảm phát thải khí CO2 trong ngành công nghiệp Việt Nam. Trải qua bảy năm thực hiện, DEPP đã đạt được nhiều thành quả nổi bật như hoàn thành và công bố Báo cáo EOR 2019, hỗ trợ nâng cao năng lực người vận hành hệ thống điện của Việt Nam trong dự báo NLTT, phát triển thị trường điện, cải thiện các quy định pháp luật và năng lực thực hành tiết kiệm năng lượng (TKNL) từ cấp tỉnh cho tới cấp quốc gia…

Tại cuộc họp báo trước khi rời Việt Nam ngày 5-11, Quốc vụ khanh Morten Bæk đề cập vai trò quan trọng của Báo cáo EOR19: “Các tính toán mới cho thấy làm cách nào để Việt Nam có thể giảm mức phát thải CO2 hằng năm tới 39% vào năm 2050 so các kế hoạch hiện tại. Mức giảm này tương đương 370 triệu tấn CO2. Các cơ quan của Việt Nam có thể dựa vào báo cáo này để hiện thực hóa quá trình chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh và hiệu quả về chi phí, đồng thời giảm phụ thuộc việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch. Đan Mạch cam kết củng cố và mở rộng hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới”. Song hành việc giảm phát thải lượng lớn CO2, Việt Nam sẽ tiết kiệm được từ bảy đến chín tỷ USD cho chăm sóc sức khỏe vào năm 2030 nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm.

Ngoài lợi ích bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân, ông Jakob Stenby Lundsager, cố vấn dài hạn của DEPP phân tích thêm: “Trong Báo cáo EOR19, chúng tôi còn tập trung làm rõ những lợi ích mà nền kinh tế Việt Nam đạt được nếu thực hiện TKNL và phát triển NLTT. Thí dụ, trường hợp mức đầu tư của Việt Nam vào công nghệ TKNL tăng thêm bảy tỷ USD vào năm 2030 và 16 tỷ USD vào năm 2050, lợi nhuận kinh tế thu được sau khi trừ đầu tư gốc sẽ lên tới ba tỷ USD vào năm 2030 và 30 tỷ USD vào năm 2050”. Chuyên gia Đan Mạch cũng nhận định, điện mặt trời và điện gió, kết hợp pin tích trữ điện năng sẽ là nguồn NLTT chính ở Việt Nam trong tương lai. Ước tính, các nguồn NLTT như gió, mặt trời, thủy điện và sinh khối có thể chiếm tới 24% nguồn cung năng lượng sơ cấp vào năm 2050 và chiếm 59% sản lượng điện sản xuất.