Sáng kiến “Thủ đô văn hóa châu Âu”

Ngày 29-3 vừa qua, tại Hà Nội, Đại sứ quán Italia và Đại sứ quán Bulgaria tại Việt Nam phối hợp phái đoàn Liên hiệp châu Âu (EU) và được sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Việt Nam, đã tổ chức buổi họp báo giới thiệu chương trình “Thủ đô văn hóa châu Âu”. Đây là cơ hội để những thành phố được chọn quảng bá hình ảnh văn hóa EU tại Việt Nam, đồng thời đem lại nhiều kinh nghiệm phát triển du lịch cho các thành phố nước ta.

Buổi họp báo giới thiệu sự kiện.
Buổi họp báo giới thiệu sự kiện.

“Thủ đô văn hóa châu Âu” là chương trình nổi tiếng của EU nhằm chọn ra các thành phố làm địa điểm tổ chức chuỗi các sự kiện văn hóa quy mô. Trở thành “Thủ đô văn hóa châu Âu” sẽ là cơ hội rất lớn để thành phố được lựa chọn quảng bá hình ảnh và gia tăng lợi ích kinh tế, đặc biệt từ hoạt động du lịch. TP Marseille (Pháp) đã đón số lượng kỷ lục 11 triệu lượt khách sau khi trở thành Thủ đô văn hóa năm 2013. Ngay cả với các thành phố không được chọn thì quá trình đăng ký tham gia chương trình này cũng thúc đẩy việc cải tạo hạ tầng đô thị, nâng cao vị thế thành phố trên phạm vi quốc tế.

Năm 1985, bà Melina Mercouri, cựu Bộ trưởng Văn hóa Hy Lạp, và người đồng cấp Pháp Jack Lang là những người đầu tiên đưa ra ý tưởng về bình chọn Thủ đô văn hóa hằng năm. Mục đích để làm nổi bật sự phong phú và đa dạng của các nền văn hóa châu Âu và nâng cao nhận thức người dân về các giá trị này. EU chịu trách nhiệm tổ chức cuộc bình chọn trước 5 năm và sẽ chỉ định thành phố chính thức trong mỗi năm. Từ năm 1985 tới nay, đã có hơn 60 thành phố được vinh danh. Năm 2019, hai thành phố Matera (Italia) và Plovdiv (Bulgaria) đã cùng chia sẻ vinh dự này.

Tại buổi họp báo giới thiệu chương trình “Thủ đô văn hóa châu Âu”, bên cạnh các quan chức EU thì nhiều doanh nghiệp du lịch cũng quan tâm đặc biệt tới sự kiện này, vì đây là lần đầu chương trình “Thủ đô văn hóa châu Âu” được giới thiệu tại Việt Nam.

Phát biểu ý kiến trong buổi họp báo, ông Tom Corrie, Phó trưởng Ban Hợp tác và Phát triển phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết: “Việc giới thiệu chương trình “Thủ đô văn hóa châu Âu” tại Việt Nam có hai lý do chính. Trước hết, đây là một chương trình tuyệt vời để thúc đẩy và phát triển du lịch văn hóa, đồng thời truyền cảm hứng cho Việt Nam hoặc rộng hơn là khu vực ASEAN tham khảo. Thứ hai là chúng tôi muốn tạo cơ hội tìm hiểu về hai Thủ đô văn hóa châu Âu năm nay là Matera và Plovdiv”. Cả hai thành phố này đều nổi tiếng nhờ những di tích lịch sử lâu đời và sự đa dạng văn hóa đến từ cộng đồng đa sắc tộc và tôn giáo cùng chung sống trong thời gian dài. Trong khi Matera nổi tiếng với những di tích ngầm trong đá, một khu định cư thời tiền sử của những cư dân đầu tiên của Italia thì người dân Plovdiv lại tự hào với khu phố cổ Kapana, nơi tổ chức các chương trình nghệ thuật và lễ hội truyền thống địa phương.

Trả lời phỏng vấn Thời Nay về những tiêu chuẩn lựa chọn các thành phố là “Thủ đô văn hóa châu Âu”, ông Tom Corrie cho biết: “Các điều kiện cần thiết để lựa chọn có thể thay đổi theo thời gian. Một thành phố muốn được lựa chọn thì phải chuẩn bị các hoạt động văn hóa và nâng cấp các cơ sở hạ tầng cần thiết để tham gia quá trình bình chọn kéo dài 5 năm”. Khi được hỏi về những kinh nghiệm trong quá trình chuẩn bị cho chương trình “Thủ đô văn hóa châu Âu” giúp các thành phố Việt Nam học tập để phát triển thành trung tâm du lịch, Đại sứ Italia Antonio Alessandro chia sẻ: “Từ quá trình chuẩn bị trở thành “Thủ đô văn hóa châu Âu”, các thành phố Việt Nam nên đem tới cho khách du lịch những chương trình văn hóa sáng tạo dựa trên truyền thống của riêng địa phương đó. Thí dụ như TP Marseille, Thủ đô văn hóa của châu Âu năm 2013 đã rất thành công nhờ tận dụng sự độc đáo tự nhiên của vùng Provence”.