Nâng cao vai trò của phụ nữ vì hòa bình, an ninh

Tại Hội nghị quốc tế “Tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng và củng cố hòa bình: Từ cam kết tới kết quả”, diễn ra từ ngày 7 đến 9-12 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam coi thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng hòa bình là những ưu tiên chính sách quan trọng cả ở trong nước và trên trường quốc tế. 

Tái hiện công tác khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam.
Tái hiện công tác khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam.

Tại phiên thảo luận ngày 7-12, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Michelle Muentefering đã khẳng định tầm quan trọng và sự cần thiết thúc đẩy một xã hội bình đẳng và có sự tham gia mạnh mẽ hơn của phụ nữ vào giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh. “Phụ nữ luôn sẵn sàng tham gia tích cực vào mọi hoạt động, chẳng hạn trong các sứ mệnh gìn giữ hòa bình. Thực tế đã cho thấy, những chương trình nghị sự có sự tham gia của phụ nữ cần trở thành một trong những trụ cột của các chính sách an ninh và phát triển hiện nay, bao gồm cả những nỗ lực giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống”, bà Muentefering  chia sẻ. 

Theo bà Julie-Ann Guivarra, Đại sứ toàn cầu về bình đẳng giới, Bộ Ngoại giao Australia, đây là một cơ hội lý tưởng để chia sẻ quan điểm xây dựng vai trò tích cực hơn của phụ nữ đối với hòa bình và an ninh. Bà cũng nhấn mạnh, rõ ràng đã có một sự thừa nhận mạnh mẽ hơn về các chủ đề này trong một loạt các tổ chức bên ngoài Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, các cơ chế như Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS)… đều đã thảo luận vấn đề quan trọng này. “Đã có nhiều bằng chứng về sự tham gia hiệu quả của phụ nữ, đặc biệt một nghiên cứu cho thấy phụ nữ đã tham gia rất có ý nghĩa vào quá trình xây dựng hòa bình”, bà Guivarra cho biết. 

Bàn về tương lai của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình, các đại biểu đề nghị tăng cường vai trò của phụ nữ trong các tiến trình hòa bình và tái thiết hậu xung đột ở mọi cấp độ. “Chặng đường từ cam kết đến hành động không hề dễ dàng, nhưng sự đóng góp và mong muốn chính đáng của người phụ nữ trong xây dựng và củng cố hòa bình ngày càng trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết”, bà Muentefering nhấn mạnh. 

Tuy nhiên, hội nghị cũng nhất trí rằng vẫn còn nhiều thách thức trong việc biến những cam kết này thành kết quả cụ thể. Phụ nữ vẫn bị hạn chế khi tham gia các hoạt động kinh tế, an ninh, chính trị, xã hội. Trên thế giới, chiến tranh, xung đột, đói nghèo, dịch bệnh và bạo lực vẫn tiếp tục đe dọa sinh mạng và phẩm giá của phụ nữ. Đại dịch Covid-19 cũng làm giảm đáng kể những nguồn tài chính vốn dành để bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ trên toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam coi thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng hòa bình là những ưu tiên chính sách quan trọng cả ở trong nước và trên trường quốc tế, đặc biệt là tại các diễn đàn đa phương như LHQ và ASEAN. 

Hội nghị do Bộ Ngoại giao phối hợp LHQ tổ chức dưới hình thức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp nhân dịp kỷ niệm sự ra đời của hàng loạt văn kiện quốc tế quan trọng về bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ, đặc biệt là Nghị quyết 1325 về vấn đề “Phụ nữ, hòa bình và an ninh” (PNHBAN) được HĐBA LHQ thông qua cách đây tròn 20 năm. Trong khuôn khổ Hội nghị, các hoạt động triển lãm ảnh “Phụ nữ Việt Nam chung tay vì sự an toàn trên những miền đất Việt” và trình chiếu 3D, tái hiện công tác khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam cũng là minh chứng cho vai trò của phụ nữ trong các hoạt động này. 

Nhiều đại biểu dù không thể tới Hà Nội để tham gia trực tiếp, nhưng đã gửi lời cảm ơn Việt Nam tổ chức một hội nghị quốc tế quan trọng, đồng thời bày tỏ mong muốn trong thời gian tới có thể đến thăm Việt Nam. Phó Tổng Thư ký LHQ, Giám đốc điều hành của Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ (UNWomen), bà Phumzile Mlambo-Ngcuka, cũng gửi thông điệp cảm ơn Việt Nam đã có sáng kiến, nỗ lực tích cực nhằm tiếp tục thúc đẩy vấn đề PNHBAN thông qua việc tổ chức Hội nghị lần này.