Món đồ quê hương ở chợ Pháp

Chợ ngoài trời diễn ra hằng năm do Tòa Thị chính Paris tổ chức cho cư dân cũng trở thành một hình thức kết nghĩa tình láng giềng. Chợ trời đặc biệt với những cái tên đa dạng như "hội chợ lặt vặt", "hội chợ lạc-xoong"... Không phải đóng thuế môn bài nên ai có gì chật nhà, không hợp, không dùng, không thích chỉ việc đăng ký bày ra bán. Ở những khu chợ này đôi khi bắt gặp những đồ vật quen thuộc từ quê nhà Việt Nam.

Nông cụ truyền thống được bày bán hoặc trao đổi.
Nông cụ truyền thống được bày bán hoặc trao đổi.

Chính quyền thành phố trưng dụng bến đỗ ô-tô của siêu thị, quảng trường, một đoạn phố dài nào đó để mở chợ trời. Tùy số người đăng ký mà con phố kéo dài hay thông sang phố khác. Người tham gia bán hàng chỉ phải đóng từ 12 đến 20 euro/m2, tùy khu vực. Chợ bày bán thập cẩm mặt hàng, từ cây con đánh trong vườn, hạt giống, mèo hay chó con mới sinh cho đến bàn, ghế, tủ, bát, đĩa, quần áo... với giá rẻ bất ngờ. Thậm chí, người mua, bán có thể trao đổi mặt hàng tùy thích. Trẻ con mang bán hoặc đổi những cuốn truyện hay đồ chơi không thích. Chợ thường tổ chức hai lần khoảng vào đầu năm học và kết thúc năm học, tạo điều kiện để học sinh trao đổi cho nhau những cuốn sách hay truyện cũ. Chợ cũng có khi mở vào đầu mùa xuân, là dịp hàng xóm rủ nhau cùng mang đồ ra bán, rủ nhau ăn cơm chung, trông hàng giúp nhau, tán gẫu khi nắng mới lên. 

Những dịp này, Tòa Thị chính thu tiền không phải để cho vào ngân quỹ mà để đài thọ các đội văn nghệ chuyên hay không chuyên của làng, thành phố tham gia làm khuấy động khu vực, thu hút khách du lịch. Chợ trời thành lễ hội quảng bá văn hóa phong phú của các dân tộc ở các vùng như ở Antille, Martinique, Guadeloupe... Những đồ vật cổ, sách cũ giúp tìm hiểu văn hóa lịch sử một thời đã mất, vì thế chợ còn có tên "chợ dọn gác xép". Ở Pháp, nhiều nhà hay cất đồ lâu không dùng, kỷ niệm xưa lên nóc nhà (nơi khô ráo nhất). Khi người già qua đời, con cháu kế thừa, dọn sạch đem ra bán. Khách tò mò có thể hỏi công dụng của đồ vật cổ: máy xay cà-phê bằng tay, máy cắt cỏ, bẫy chuột, bàn là than... Chợ hấp dẫn những người sưu tầm đồ cổ. Họ đến rất sớm săn tìm bổ sung cho bộ sưu tập. 

Đặc biệt, ở vùng xa xôi, người bán hàng là dân địa phương rất hiếu khách. Họ rất vui khi trao đổi với nhau về nguồn gốc của những đồ vật. Một số vật dụng, đồ dùng thân thương bất ngờ gặp lại như những chiếc liềm - nông cụ truyền thống với tôi thời sơ tán ở nông thôn miền bắc hồi chiến tranh chống Mỹ. Nơi khu chợ này, tôi cùng các kiều bào và cả bạn từ Việt Nam sang đều thú vị tìm thấy kỷ vật như nón lá, mũ cối Việt Nam hay tranh ảnh từ thời Đông Dương đem về. Nhiều chợ gác xép phối hợp một số ban tổ chức các vùng để tổ chức chợ chuyên đề như chợ tem, chợ sách, chợ đồ chơi trẻ em, chợ tiền cổ… cũng hấp dẫn không kém. Trong chợ lại thường có các quầy bán thực phẩm địa phương để quảng bá hương vị truyền thống. 

Chợ dọn gác xép mang tính văn hóa nhân văn cao, gắn liền tình làng nghĩa xóm của người Pháp. Năm 2020, do dịch Covid-19 nên hầu hết hoạt động đông người phải tạm dừng. Hàng xóm gặp nhau vẫn đeo khẩu trang, không dám ôm hôn thắm thiết. Ai cũng mong Covid-19 qua đi để hàng xóm lại cùng liên hoan vui vẻ giữa trời trong những buổi chiều nướng thịt ngoài vườn hay những buổi tối lung linh ấm áp và thưởng thức văn nghệ các dân tộc trên đất Pháp. 

Chợ dọn gác xép đón nắng đầu mùa, đón tình láng giềng sau mùa đông giá lạnh. Tình láng giềng như nắng sưởi ấm lòng người già khi cô đơn, cùng bồi hồi chuẩn bị mâm cỗ truyền thống, hoa đào, mai hướng về quê hương Việt Nam. Lại cùng ước ao có vaccine hiệu quả để tiêu diệt cả chủng cũ lẫn mới của virus, dập tan đại dịch, tăng tốc xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa.