Mối quan hệ hữu nghị bền chặt

Năm 2020 đánh dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên hiệp châu Âu (EU). Nhân kỷ niệm 30 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - EU (28-11-1990 - 28-11-2020), báo Thời Nay đã có cuộc trò chuyện với Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), ông Nicolas Audier - người đã có thời gian hơn 30 năm sống và làm việc tại Việt Nam, về quá trình hợp tác giữa hai bên. 

Chủ tịch Eurocham Nicolas Audier trong lễ vinh danh doanh nghiệp trẻ. Ảnh: EUROCHAM
Chủ tịch Eurocham Nicolas Audier trong lễ vinh danh doanh nghiệp trẻ. Ảnh: EUROCHAM

Phóng viên (PV): Theo ông, trong những năm qua, quá trình hợp tác và phát triển quan hệ giữa Việt Nam và EU đã chứng kiến những sự kiện nổi bật nào?

Ông Nicolas Audier: Quan hệ giữa Việt Nam và EU đã phát triển mạnh mẽ trong ba thập kỷ qua, kể từ khi quan hệ chính thức được thiết lập vào năm 1990. Tất nhiên, việc phê chuẩn và thực hiện Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) trong năm nay là điểm nhấn của quá trình hợp tác và phát triển giữa chúng ta. Tuy nhiên, điều này được xây dựng dựa trên tình bạn hơn 30 năm, từ sự hiện diện ngoại giao đầu tiên của EU tại Hà Nội năm 1996 đến việc ký kết một thỏa thuận khung về quan hệ đối tác và hợp tác năm 2012. Thỏa thuận này đã đưa hai bên cùng nhau thảo luận về một loạt các vấn đề toàn cầu, từ phát triển bền vững đến du lịch và chống biến đổi khí hậu, tội phạm có tổ chức... Giờ đây, khi EVFTA đã có hiệu lực, mối quan hệ Việt Nam và EU sẽ còn phát triển chặt chẽ hơn nữa vì quan hệ thương mại lớn hơn cũng khuyến khích hợp tác hơn nữa trong các vấn đề này.

PV: Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc trong 30 năm qua về củng cố môi trường kinh doanh, cải cách hành chính và hiện đại hóa nền kinh tế. Ông có thể chia sẻ nhận định của mình về môi trường hợp tác, thương mại và đầu tư tại Việt Nam hiện nay?

Ông Nicolas Audier: Môi trường thương mại và đầu tư ở Việt Nam vào năm 2020 đã thay đổi đến không thể nhận ra so môi trường mà các doanh nhân và nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu đầu tiên đến đây vào đầu thập niên 90 thế kỷ 20. Ngày nay, môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng cởi mở, cạnh tranh và hiện đại hơn. Và khung pháp lý hiện đã phù hợp hơn với các tiêu chuẩn quốc tế, giúp thu hút nhiều hơn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong đó, đất nước của các bạn gắn bó hơn với các thị trường toàn cầu và hội nhập với thương mại quốc tế. Điều này có thể thấy rõ trong việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các thị trường lớn trên thế giới, từ EVFTA đến Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và nay là Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

PV: Ngày 1-8 vừa qua, Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực. Ông đánh giá như thế nào về cơ hội phát triển và mở rộng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và châu Âu?

Ông Nicolas Audier: EVFTA sẽ mở ra một làn sóng thương mại và đầu tư mới giữa Việt Nam và EU. Thời điểm có hiệu lực vào ngày 1-8, hiệp định đã loại bỏ 65% thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu của EU sang Việt Nam và 71% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Trong giai đoạn tới sẽ tăng lên gần 99% số dòng thuế. Cùng với đó, EVFTA cũng sẽ mở cửa thị trường và tăng khả năng tiếp cận với các nhà cung cấp dịch vụ, giúp hàng hóa và dịch vụ của châu Âu trở nên cạnh tranh hơn trong nền kinh tế đang phát triển nhanh của Việt Nam, đồng thời mang lại cho các doanh nghiệp Việt Nam đặc quyền tiếp cận thị trường tiêu dùng rộng lớn khoảng 450 triệu dân của châu Âu. Ngân hàng Thế giới (WB) đã dự đoán rằng, xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng 12%, trong đó nhập khẩu tăng 14%. Điều này sẽ thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa và dịch vụ, khi các công ty của chúng tôi và người tiêu dùng mong muốn được hưởng lợi từ việc tiếp cận ưu đãi vào thị trường của nhau. 

PV: Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều cơ quan, tổ chức Việt Nam và châu Âu đã có những hoạt động ủng hộ, hỗ trợ lẫn nhau về trang thiết bị y tế và chia sẻ kinh nghiệm ứng phó khủng hoảng. Ông nghĩ sao về ý nghĩa của những hoạt động này?

Ông Nicolas Audier: Việt Nam đã được thế giới công nhận về khả năng xử lý Covid-19 nhanh chóng và hiệu quả. Phản ứng nhanh chóng và chắc chắn của Chính phủ đã ngăn chặn đại dịch toàn cầu trở thành khủng hoảng sức khỏe hay khủng hoảng kinh tế. Trên thực tế, Việt Nam là một trong số ít quốc gia được dự đoán sẽ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ vào năm 2020 là minh chứng cho điều này. Tôi cũng tự hào rằng các công ty châu Âu đã đóng góp đáng kể để hỗ trợ Việt Nam trong những nỗ lực ứng phó khủng hoảng, với việc chia sẻ cả hỗ trợ tài chính và y tế. Tương tự, Việt Nam đã quyên góp hào phóng cho các quốc gia châu Âu đang bị thiệt hại nặng nề hơn trong vài tháng qua do tiếp tục chịu ảnh hưởng của đại dịch. Sự ủng hộ này là minh chứng cho mối quan hệ hữu nghị bền chặt Việt Nam - EU.

PV: Xin cảm ơn ông!