Hợp tác Việt Nam - Australia về giáo dục đại học

Ngày 1-8 vừa qua, tại Hà Nội, Đại sứ quán Australia phối hợp Vụ Hợp tác quốc tế tổ chức Hội thảo “Quốc tế hóa giáo dục đại học - Xây dựng đại học ưu tú”. Tại sự kiện này, các chuyên gia đến từ Đại học (ĐH) Queensland, một trong top 50 đại học hàng đầu thế giới, đã chia sẻ kinh nghiệm, chiến lược và cách thức cải thiện thứ hạng xếp hạng toàn cầu và quốc tế hóa lĩnh vực giáo dục ĐH.

Các đại biểu trao đổi ý kiến bên lề hội thảo.
Các đại biểu trao đổi ý kiến bên lề hội thảo.

ĐH Queensland (UQ) là một trung tâm nghiên cứu khoa học đa ngành hàng đầu tại Australia, có trụ sở chính tại thành phố Brisbane, thủ phủ bang Queensland. Được thành lập vào năm 1909, UQ là một trong những ĐH lâu đời, uy tín và chất lượng bậc nhất của nước này.

Hội thảo lần này diễn ra đúng thời điểm Việt Nam đã có hai trường ĐH được xếp hạng trong top 1.000 trường ĐH hàng đầu thế giới, là ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh. TS Nghiêm Xuân Huy, Giám đốc Viện Bảo đảm chất lượng giáo dục thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Thành quả khả quan ban đầu của hai trường ĐH tại Việt Nam là do quá trình nỗ lực, chú trọng đi từ chất lượng tới xếp hạng. Thứ hạng chỉ có thể đạt được khi gắn với việc bảo đảm chất lượng dạy và học, cùng các hoạt động nghiên cứu”. Nhất trí với quan điểm này, ông Rongyu Li, Phó Hiệu trưởng phụ trách đối ngoại của UQ cho biết: “UQ thuộc số ít trường ở Australia luôn duy trì sự cân bằng giữa nâng cao chất lượng giáo dục và mở rộng hoạt động nghiên cứu”.

Về khía cạnh đào tạo, UQ đặt trọng tâm truyền thụ cho học sinh - sinh viên không chỉ những kiến thức cũ mà còn liên tục cập nhật theo yêu cầu của các doanh nghiệp và môi trường làm việc toàn cầu hóa. Đối với đội ngũ giảng dạy, ông Li nói thêm: “UQ coi trọng vai trò chủ chốt của các giảng viên, thể hiện qua việc hình thành mạng lưới hỗ trợ của các giảng viên lâu năm đối với những giảng viên mới ở cấp khoa và cấp trường; trao giải thưởng đối với các giảng viên có thành tích nghiên cứu, giảng dạy và gắn bó với nghề…”.

Trong khi đó, các hoạt động nghiên cứu của trường không đi theo hướng hàn lâm, mà bám sát chặt chẽ với nhu cầu thực tế. Theo bà Jenny Seddon, Phó Trưởng khoa Khoa học phụ trách nghiên cứu của UQ, 100% kết quả nghiên cứu của UQ đều đáp ứng hoặc vượt Tiêu chuẩn về sự xuất sắc trong nghiên cứu tại Australia (ERA), là do một số yếu tố chính. Trước hết, các nghiên cứu của trường bắt nguồn từ yêu cầu giải quyết những thách thức toàn cầu, mang tính đa ngành và xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn. Sau đó, UQ luôn chú trọng hợp tác với các đối tác địa phương, trong nước hoặc quốc tế trên tinh thần chủ động và đem lại lợi ích cho các bên. Cuối cùng, các kết quả nghiên cứu sẽ được tập hợp, xuất bản trong những báo cáo, bài báo ở các tạp chí khoa học hàng đầu thế giới. Đặc biệt, bà Seddon nhấn mạnh: “Chúng tôi có một nhóm chuyên trách về mảng marketing nhằm quảng bá những nghiên cứu này tới cộng đồng. Mọi người sẽ được biết về lý do hình thành, kết quả và tác động của các nghiên cứu này tới đời sống của họ, thông qua nhiều phương tiện đa dạng như truyền hình, phát thanh, mạng xã hội…”.

Trả lời phỏng vấn Thời Nay về vai trò hợp tác của UQ và các trường ĐH tại Việt Nam, ông Li khẳng định: “Chúng tôi đánh giá Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng trong khu vực bởi một số yếu tố. Các trường ĐH hàng đầu của Việt Nam có lịch sử lâu đời, đóng góp nhiều cho xã hội trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu. Ngoài ra, Việt Nam đang có những bước tiến khả quan, bước đầu tham gia quá trình quốc tế hóa trong lĩnh vực giáo dục”.

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm tìm kiếm nguồn thu cho các hoạt động nghiên cứu, góp phần nâng cao thứ hạng của các trường, ông Li phân tích: “Hiện nay, các trường ĐH tại Australia như UQ có thể tự chủ về tài chính. Nguồn thu từ hỗ trợ của Chính phủ chỉ chiếm 36%, trong khi 64% còn lại đến từ học phí, nguồn tài trợ từ các cá nhân và doanh nghiệp, các quỹ từ thiện, lợi nhuận từ chính kết quả nghiên cứu… Đây là mô hình “doanh nghiệp giáo dục” khá phổ biến trên thế giới”.