Hợp tác vì môi trường sống sạch đẹp

Tại Tọa đàm nâng cao nhận thức về chất lượng không khí diễn ra ngày 25-2 tại Hà Nội, các đại biểu Việt Nam và Mỹ cùng phân tích kỹ các yếu tố ảnh hưởng chất lượng không khí, vốn đang gây nhiều tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân. Sự kiện cũng là dịp để thảo luận về những cơ hội hợp tác giữa hai nước trong việc cải thiện chất lượng khí thở, cũng như bảo đảm nguồn năng lượng sạch trong tương lai.

Hà Nội đang trải qua những ngày đáng báo động về ô nhiễm không khí. Ảnh: SONG ANH
Hà Nội đang trải qua những ngày đáng báo động về ô nhiễm không khí. Ảnh: SONG ANH

Thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia môi trường đến từ Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID), đại diện Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, các trường đại học, tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực môi trường, buổi tọa đàm được đánh giá là sự kiện thiết thực trong bối cảnh chất lượng không khí tại một số tỉnh, thành phố của Việt Nam, trong đó có Hà Nội, đang trong tình trạng xấu, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe người dân. Những kinh nghiệm từ “cuộc chiến” chống ô nhiễm không khí của Mỹ được hy vọng là những tham khảo để Chính phủ và người dân Việt Nam nâng cao chất lượng không khí.

Theo Đại biện lâm thời Mỹ tại Việt Nam Caryn R. McClelland, Mỹ từng hứng chịu tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng vào những năm 70 của thế kỷ trước, nhất là tại các thành phố công nghiệp như Pittsburgh, Detroit và Cleveland. Theo bà McClelland, phần lớn các thành phố Mỹ hiện có chất lượng không khí tốt là nhờ nhiều yếu tố, trong đó có phản hồi nhanh chóng của chính phủ về những mối lo ngại của người dân; cung cấp dữ liệu chính xác về không khí, nhất là việc thực thi Đạo luật Không khí sạch một cách quyết liệt, nhằm giảm phát thải. Từ năm 1970 đến năm 2014, lượng phát thải quốc gia của Mỹ giảm trung bình 69%, trong khi GDP tăng 238%.

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cho biết, trong số các nguồn gây ô nhiễm không khí, gồm phương tiện giao thông, cháy rừng, hoạt động nông nghiệp, công nghiệp và sản xuất năng lượng, thì nhà máy nhiệt điện than là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề. Nhiệt điện than không chỉ ảnh hưởng môi trường mà còn ảnh hưởng sinh kế của người dân, trật tự xã hội chung quanh khu vực nhà máy. Lý do là trong phát thải của các nhà máy điện than không chỉ có chì, thủy ngân, bụi, mà còn nhiều chất khác gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người…

Hà Nội đang trải qua những ngày đáng báo động về ô nhiễm, với nhiều điểm quan trắc cho chỉ số chất lượng không khí ở mức “rất xấu”. Có nhiều yếu tố gây ra tình trạng ô nhiễm như hiện nay. Theo bà Holly Lindquist Thomas, chuyên gia về môi trường, khoa học - công nghệ và y tế của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, giao thông vẫn là yếu tố quan trọng gây nên tình trạng ô nhiễm không khí tại Thủ đô Hà Nội. Bà Thomas cho rằng, trong thời gian này, người dân nên hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân nhằm bảo vệ sức khỏe và giảm bớt tác động tiêu cực tới chất lượng không khí.

Tỷ lệ cao các hạt bụi mịn trong không khí và những tác động tiêu cực đến sức khỏe đã trở thành mối quan tâm thường trực của người dân Việt Nam. Bà Thomas nhận định, Hà Nội vẫn cần thêm nghiên cứu để xác định các yếu tố chính và mức độ ảnh hưởng của chúng đối với chất lượng không khí một cách tổng thể. Bà hy vọng các nghiên cứu mới sẽ giúp Chính phủ Việt Nam đưa ra quyết định về trọng tâm trong nỗ lực nâng cao chất lượng không khí. Đại diện Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cho biết, Bộ Tài nguyên & Môi trường Việt Nam, chính quyền thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vẫn thường xuyên trao đổi cùng phía Mỹ, tập trung thảo luận về việc tăng số lượng các trạm đo của Việt Nam, cũng như triển khai các dự án trong khuôn khổ của USAID.

Tọa đàm cũng ghi nhận nhiều ý kiến của đại biểu về việc kêu gọi phát triển các nguồn năng lượng sạch và bền vững để thay thế các loại năng lượng truyền thống hiện nay. Đại biện lâm thời Mỹ tại Việt Nam McClelland khẳng định, những gì nước Mỹ đã làm cho thấy, các nước có thể vừa tăng trưởng kinh tế, vừa bảo đảm chất lượng không khí, và không phải đánh đổi phát triển bằng ô nhiễm môi trường. Bà McClelland tin tưởng Việt Nam cũng có thể đạt được mục tiêu nói trên, bởi Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.