Hợp tác đào tạo nhân lực 4.0

Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang tạo ra nhiều cơ hội và thách thức ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Một trong những tác động đó là sự thay đổi mạnh mẽ cơ cấu nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trong thời đại công nghệ cao. Ngày 14-5 vừa qua, tại Hà Nội, Đại sứ quán Australia phối hợp Bộ Giáo dục & Đào tạo Việt Nam tổ chức tọa đàm “Đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao cho tương lai” nhằm chia sẻ kinh nghiệm của Australia, một trong những quốc gia đi đầu triển khai phát triển nguồn nhân lực 4.0.

GS Duncan Bentley trao đổi với TS Nguyễn Thị Kim Phụng tại buổi tọa đàm.
GS Duncan Bentley trao đổi với TS Nguyễn Thị Kim Phụng tại buổi tọa đàm.

Trong khuôn khổ chương trình “Diễn giả và Đối tác Australia trong nghiên cứu, giáo dục và kỹ thuật” (ASPIRES), Bộ Giáo dục & Đào tạo Australia phối hợp với Bộ Giáo dục & Đào tạo Việt Nam tổ chức tọa đàm “Đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao cho tương lai” với diễn giả là các chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học đến từ Đại học Kỹ thuật Swinburne (Australia) và Đại học FPT (Việt Nam). Đại học Công nghệ Swinburne là trường đại học duy nhất tham gia Nhóm chuyên gia cố vấn cho Thủ tướng Australia về CMCN 4.0.

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đã chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm của Australia cho các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo các trường đại học Việt Nam trong việc xây dựng chương trình đào tạo có tính đổi mới, phù hợp thị trường lao động, cũng như phát triển, áp dụng mô hình gắn kết nhà trường, doanh nghiệp và chính phủ.

Trong tham luận của mình, GS Duncan Bentley, Phó Hiệu trưởng phụ trách Học thuật đã chia sẻ kinh nghiệm của Đại học Swinburne trong việc phối hợp đào tạo chuyên môn với bổ sung các kỹ năng cần thiết nhằm thích ứng môi trường công nghệ cao, như kỹ năng quản trị doanh nghiệp, tư duy đổi mới, khả năng giải quyết vấn đề… GS Alan Kin-Tak Lau, Phó Hiệu trưởng phụ trách Nghiên cứu và Phát triển trình bày về việc kết hợp các thế mạnh của nhà trường với yêu cầu của tổ chức doanh nghiệp, bảo đảm các sinh viên sắp tốt nghiệp đáp ứng được những thách thức của công nghiệp 4.0. Ngoài ra, hai diễn giả cũng đề cập sự ảnh hưởng của Chính phủ Australia tới các khóa học và cách trường đại học này tự quyết định một cách độc lập nhằm bảo đảm nguồn nhân lực lành nghề, sẵn sàng làm việc trong môi trường lao động Australia và thế giới.

Với vai trò đào tạo nhân lực kỹ thuật cao cho FPT, tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu của Việt Nam, Đại học FPT là mô hình tiêu biểu của nước ta về thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc phát triển nhân lực theo nhu cầu thị trường lao động. TS Hoàng Việt Hà, Phó Chủ tịch HĐQT Đại học FPT cho biết: “Trong thời đại 4.0, nhu cầu về nguồn nhân lực về công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) ngày càng tăng trong khi những mô hình giáo dục truyền thống chưa thể đáp ứng đầy đủ. Trong số khoảng 80.000 sinh viên ICT tốt nghiệp mỗi năm thì chỉ có khoảng 30.000 người được đánh giá đủ chất lượng. Bởi vậy, chúng tôi đưa ra giải pháp “iGSM” cho vấn đề này”.

Hệ thống iGSM phản ánh tầm nhìn giáo dục của Tập đoàn FPT, bao gồm “Industry Relevant” - hệ thống đào tạo theo định hướng doanh nghiệp; “Global” - sản phẩm làm ra phải đáp ứng những gì xã hội, doanh nghiệp và ngành công nghiệp trong và ngoài nước đang cần. Ngoài ra, Đại học FPT cũng đặt mục tiêu trở thành “Mega University” - trường đại học quy mô lớn và triển khai phương thức giáo dục thông minh “Smart Education”, không chỉ đào tạo chuyên môn mà còn cả những kỹ năng “mềm” như trau dồi ngoại ngữ, tư duy làm việc nhóm hoặc khả năng sáng tạo…

Chia sẻ với Thời Nay về kinh nghiệm hướng nghiệp cho học sinh trong bối cảnh tại Việt Nam những năm gần đây, số lượng tuyển sinh đầu vào các ngành khoa học - công nghệ đang suy giảm, GS Duncan cho biết: “Chúng tôi định hướng cho các em ngay từ cấp tiểu học và trung học, thông qua nhiều hoạt động tạo hứng khởi cho học sinh tìm hiểu về khoa học. Ngoài ra, chúng tôi cũng khuyến khích học sinh nữ tham gia các môn khoa học công nghệ, tạo ra sự cân đối về giới trong lĩnh vực này. Các môn khoa học ở các trường phổ thông cần mang tính thực tiễn để các em dễ tiếp thu và yêu thích”.