Dấu ấn hợp tác OECD và Việt Nam

Báo cáo đánh giá đa chiều (MDR) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố mới đây dự báo, Việt Nam có thể trở thành một nước có thu nhập cao vào năm 2045 thông qua các kịch bản khác nhau về năng suất và mức độ tham gia của lực lượng lao động. 

Đại diện OECD trao Báo cáo MDR cho Việt Nam.
Đại diện OECD trao Báo cáo MDR cho Việt Nam.

Trong lễ công bố Báo cáo MDR của Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Ngoại giao và OECD phối hợp tổ chức chiều 8-12 vừa qua tại Hà Nội, ông Jan Rilander - Trưởng bộ phận MDR thuộc Trung tâm phát triển của OECD đã đề xuất bảy mục tiêu chiến lược hướng tới một “nền kinh tế Việt Nam 4.0” hội nhập, bền vững và minh bạch. Những khuyến nghị đó bao gồm tạo ra cơ hội mới cho ngành nông nghiệp, sản xuất và dịch vụ; cải cách công tác quản lý; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo bậc cao; quản lý môi trường hiệu quả hơn để hướng tới tính bền vững và chuyển dịch về năng lượng… “Tất cả đều là dự báo khả thi, song Việt Nam phải đặt ra những mục tiêu chiến lược, cải cách chiến lược để xây dựng một nền kinh tế hội nhập, minh bạch và bền vững”, ông Jan Rilander nhấn mạnh. 

Phó Giám đốc Trung tâm phát triển của OECD, ông Federico Bognalia đánh giá cao cơ hội làm việc với các cơ quan liên quan của Việt Nam trong quá trình thực hiện nghiên cứu cho MDR. Ông đề cập các thông điệp then chốt rút ra với Việt Nam hiện nay là các từ khóa “Cơ hội - Kỹ năng - Bền vững - Thực thi”. Trong đó, “Cơ hội” có nghĩa giai đoạn 10 năm tới là thời điểm để tiến hành những cải cách mạnh mẽ nhằm tạo điều kiện cho tăng trưởng; “Kỹ năng” là Việt Nam cần chú trọng đào tạo, dạy nghề, nâng cao kỹ năng cho lao động, đặc biệt là lao động trẻ; “Bền vững” là một từ khóa quan trọng, cần bao trùm toàn bộ các mục tiêu, gắn kết giữa vấn đề xã hội và kinh tế - tài chính. “Cuối cùng, chúng tôi đã đưa ra một số khuyến nghị để thúc đẩy các mục tiêu, còn để bảo đảm thực thi hiệu quả những mục tiêu đề ra phải dựa vào nội lực của chính các bạn”, ông Bognalia chia sẻ. 

Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu đáng kể về phát triển kinh tế - xã hội, là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn trên thế giới. Song, thông qua việc phân tích cơ sở dữ liệu về năng suất lao động, độ tuổi lao động hay chỉ số môi trường…, các chuyên gia của OECD nhấn mạnh các thách thức lớn ở Việt Nam như ô nhiễm, thiên tai, tình trạng già hóa dân số... Các khu vực kinh tế doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), doanh nghiệp tư nhân còn hoạt động rời rạc, chưa thu hút được vốn FDI có giá trị gia tăng cao để tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu; nhiều chương trình an sinh - xã hội còn manh mún, độ bao phủ thấp và lợi ích mang lại còn hạn chế. 

Trên cơ sở đó, các chuyên gia khuyến nghị 70 hành động, trong đó có 16 hành động ưu tiên để triển khai. Nổi bật là các khuyến nghị như đề ra một khuôn khổ chiến lược duy nhất về thúc đẩy đầu tư, xây dựng Trung tâm quốc gia chất lượng cao về giáo dục - đào tạo, cập nhật tổng sơ đồ điện nhằm cải thiện an ninh năng lượng, tăng cường tính bao trùm và bền vững của hệ thống bảo hiểm xã hội…, cùng với một số khuyến nghị khác được nhận định là có điểm tương đồng những chính sách mà Việt Nam đang hướng đến và triển khai thực hiện. Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định, MDR là một nghiên cứu đầu vào hữu ích cho quá trình xây dựng chiến lược phát triển của Việt Nam.  

Ông Jeffrey Schlagenhauf,  Phó Tổng Thư ký OECD phát biểu ý kiến trực tuyến từ Paris (Pháp) cho biết, các nhà lãnh đạo OECD luôn đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ với Việt Nam. Ông Schlagenhauf khẳng định, báo cáo thể hiện tất cả những khía cạnh phát triển, nhìn vào những thách thức và khía cạnh cần phải cải cách để bảo đảm rằng Việt Nam sẽ thúc đẩy cải cách thành công. Đây là bản báo cáo MDR đầu tiên giữa OECD và Việt Nam, là công trình nghiên cứu chung của hai bên, bởi vậy cũng được xem là dấu ấn tạo nền tảng cho hợp tác giữa hai bên trong tương lai.