Cơ hội và thách thức từ CPTPP

Tại Hội thảo về ngành phân phối, thương mại điện tử (TMĐT) và logistics Việt Nam trước cơ hội và thách thức từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), diễn ra ngày 25-11 tại Hà Nội, các đại biểu nhận định, doanh nghiệp (DN) Việt Nam hoạt động trong những lĩnh vực nói trên đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển, sau khi CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam từ giữa tháng 1 năm nay. “Cánh cửa” CPTPP đã mở, song bên cạnh cơ hội là những thách thức không nhỏ, nhất là từ sức ép cạnh tranh.

Các đại biểu thảo luận bên lề hội thảo.
Các đại biểu thảo luận bên lề hội thảo.

Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, trong khuôn khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform). Phát biểu ý kiến khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh: Phân phối, TMĐT và logistics là những ngành phục vụ sản xuất quan trọng trong nền kinh tế. Đây là những lĩnh vực có nhiều cam kết đáng chú ý trong CPTPP. Phó Chủ tịch VCCI cho biết, hội thảo tập trung trao đổi thẳng thắn về sự chuẩn bị cần thiết, cũng như những việc mà giới DN Việt Nam có thể xem xét triển khai để tận dụng cơ hội phát triển mà CPTPP mang lại, cũng như vượt qua các thách thức.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm về các vấn đề Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Hội nhập trực thuộc VCCI nhận định, nhờ các cam kết trong CPTPP nói riêng và hội nhập nói chung, ngành phân phối, TMĐT và logistics có nhiều cơ hội gia tăng quy mô thị trường. Theo đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), đến năm 2030, CPTPP dự kiến giúp GDP của Việt Nam tăng thêm từ 1,1 - 3,5%, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm từ 4,2 - 6,9%.

Về những lợi ích rõ ràng khác từ CPTPP, theo VCCI, ngành phân phối, nhất là bán lẻ, có cơ hội tăng nguồn cung hàng hóa (đa dạng về nguồn gốc và cạnh tranh về giá). CPTPP cũng mang lại cơ hội gia tăng hoạt động TMĐT, nhất là TMĐT qua biên giới (từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại). Trong khi đó, ngành logistics có thể đẩy mạnh liên doanh, hợp tác, đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài. Các cam kết về hàng rào phi thuế quan trong CPTPP dự kiến tạo ra nhiều thay đổi trong chính sách hải quan của Việt Nam, làm gia tăng cơ hội phát triển kinh doanh hiệu quả cho các DN logistics, khi mà chi phí kinh doanh hứa hẹn sẽ giảm đáng kể. Đáng chú ý, những cam kết loại bỏ thuế quan của Việt Nam cho các phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị, công nghệ phục vụ hoạt động logistics từ các đối tác CPTPP là cơ hội để DN logistics có thể mua các sản phẩm phục vụ sản xuất với giá hợp lý.

Với CPTPP, một tương lai phát triển đầy hứa hẹn đang chờ đợi nhiều DN Việt Nam, Tuy nhiên, các đại biểu nhấn mạnh, thách thức từ CPTPP cũng không hề nhỏ. DN hoạt động trong lĩnh vực phân phối, TMĐT hay logistics ngay lúc này cần tính đến những khó khăn từ sự cạnh tranh gay gắt, cả trong nước lẫn với các đối tác trong CPTPP. Với mức mở cửa mạnh về logistics, CPTPP hứa hẹn tạo điều kiện cho những đối tác hàng đầu, như Singapore, Nhật Bản, Canada, Australia mở rộng kinh doanh và cạnh tranh mạnh tại Việt Nam.

Cạnh tranh của các nhà phân phối Việt Nam ngay trên thị trường nội địa, cả về thị phần, nguồn nhân lực, mặt bằng kinh doanh... vốn đã căng thẳng thời gian qua, dự báo sẽ còn gay gắt hơn thời gian tới. Tuy nhiên, theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, trong hơn 10 năm qua, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, các DN bán lẻ Việt Nam đã được “tôi luyện”, thử thách, nên về cơ bản, họ đã chuẩn bị tinh thần và chấp nhận mở cửa, cạnh tranh cao. “Các DN bán lẻ Việt Nam hoàn toàn tự tin cạnh tranh trong môi trường này”, bà Loan nhấn mạnh.

Chia sẻ với Thời Nay, ông Raymond Mallon, cố vấn kinh tế của Chương trình Aus4Reform khẳng định, Chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng trong các nỗ lực hội nhập kinh tế toàn cầu. Theo ông Mallon, các chương trình như hội thảo do VCCI tổ chức là cách để DN Việt Nam chuẩn bị kỹ càng nhằm nắm bắt cơ hội từ CPTPP thời gian tới. DN Việt Nam cũng cần có kế hoạch bài bản, hành động quyết liệt trong nâng cao chất lượng phục vụ, tính chuyên nghiệp trong cung cấp dịch vụ và chăm sóc khách hàng, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối...