Cơ hội & thách thức từ EVFTA

Chính thức được ký kết vào tháng 6-2019, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EU), còn gọi là EVFTA, được kỳ vọng sẽ tạo ra những cơ hội phát triển đặc biệt cho nền kinh tế Việt Nam. Với mục đích giúp giới doanh nghiệp trong nước chủ động chuẩn bị để vượt qua thách thức, qua đó nắm bắt cơ hội sắp tới, ngày 23-10, tại Hà Nội, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo “Ngành Tài chính và Viễn thông Việt Nam trước cơ hội và thách thức từ Hiệp định EVFTA”.

Các đại biểu thảo luận trong khuôn khổ hội thảo.
Các đại biểu thảo luận trong khuôn khổ hội thảo.

Phát biểu ý kiến khai mạc hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI khẳng định, EVFTA là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và có quy mô lớn nhất mà Việt Nam từng đàm phán ký kết cho tới thời điểm hiện tại. Việc EVFTA có hiệu lực sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển cho các ngành nghề của Việt Nam, trong đó có ngành tài chính (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán) và viễn thông - những nhóm dịch vụ phát triển mạnh cả về thị trường lẫn năng lực cạnh tranh, song cũng là những nhóm dịch vụ “nhạy cảm”, gắn liền với sự ổn định của nền tài chính, kinh tế. Vì vậy, các cam kết mở cửa thị trường đối với các ngành dịch vụ này luôn ở mức dè dặt và thận trọng.

EU là đối tác có thế mạnh về các dịch vụ tài chính, viễn thông. Do đó, EVFTA được dự báo có tác động đáng kể đến tương lai và thị trường ngành tài chính, viễn thông Việt Nam. Theo VCCI, dưới tác động của việc thực thi các cam kết trong EVFTA, ngành tài chính và viễn thông Việt Nam sẽ đứng trước những cơ hội lớn, như nhu cầu đối với các dịch vụ này gia tăng theo sự tăng trưởng của hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu; môi trường kinh doanh thuận lợi thông qua cải cách và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; cơ hội đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông và tài chính tại thị trường EU tăng cao, cũng như hợp tác với các đối tác EU được tăng cường giúp cải thiện chuyên môn, công nghệ, quản trị và năng lực cạnh tranh.

Song, EVFTA cũng mang lại nhiều thách thức cho ngành tài chính và viễn thông của Việt Nam, điển hình là áp lực cạnh tranh từ các nhà cung cấp dịch vụ từ nước ngoài, trong khi yêu cầu của khách hàng ngày càng cao. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ trong các dịch vụ tài chính và viễn thông đặt ra thách thức trong bảo mật thông tin, quản trị và bảo vệ an toàn dữ liệu thông tin.

Tại hội thảo, các đại biểu khẳng định, doanh nghiệp (DN) Việt Nam, nhất là những DN trong ngành bảo hiểm và viễn thông, với lợi thế vốn có sẽ không ngại cạnh tranh với các DN nước ngoài. Theo Đại diện Hiệp hội internet Việt Nam, thị trường internet trong nước có tính cạnh tranh cao, khi băng thông tăng mà giá dịch vụ giảm. Trong hơn 10 năm qua, các DNđã quá quen với câu chuyện cạnh tranh và họ sẽ có đủ thời gian để chuẩn bị nguồn lực cho cuộc chiến khốc liệt sắp tới. Tuy nhiên, thời gian tới, các DN phải chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung nghiên cứu các giải pháp nhằm phát triển hạ tầng cho mạng di động kỹ thuật số 5G. Luật an ninh mạng cũng là yếu tố cần được quan tâm.

Trả lời câu hỏi của Thời Nay, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm về Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) & Hội nhập trực thuộc VCCI cho rằng, khi EVFTA chính thức có hiệu lực, thị trường cho các lĩnh vực viễn thông và tài chính sẽ sôi động hơn nhiều, do hoạt động trao đổi thương mại - kinh tế được tăng cường. Đó là cơ hội cho các DN Việt Nam, song cũng là thách thức do sự tham gia của các DN nước ngoài đặt ra bài toán cho các DN trong nước phải tăng cường chất lượng dịch vụ, nếu như không muốn bị bỏ lại phía sau.

Trình bày quan điểm tại hội thảo, các đại biểu nhận định, xét cả từ góc độ chính sách lẫn cạnh tranh, các DN Việt Nam cần vận động chính sách nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh công bằng, tiếp tục thúc đẩy việc mở cửa, tự do hóa các dịch vụ tài chính và viễn thông. Song, các DN Việt Nam cũng cần nhanh chóng chuyên nghiệp hóa dịch vụ, thiết kế và cung cấp dịch vụ phù hợp yêu cầu của khách hàng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để đa dạng hóa sản phẩm.