Chặng đường đồng hành cùng di sản

Là quốc gia có nhiều thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ và di tích lịch sử quan trọng, Việt Nam hiện có 39 danh hiệu, trong đó có tám danh hiệu về di sản văn hóa và thiên nhiên được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) công nhận. Trong những năm qua, Ủy ban Quốc gia (UBQG) UNESCO Việt Nam là đơn vị đã luôn đồng hành cùng các bộ, ngành trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại Việt Nam.

Ông Michael Croft trả lời phỏng vấn báo chí về công tác bảo tồn di sản ở Việt Nam.
Ông Michael Croft trả lời phỏng vấn báo chí về công tác bảo tồn di sản ở Việt Nam.

Được thành lập năm 1977, trong hơn 40 năm qua, UBQG UNESCO đã đại diện Việt Nam trong quan hệ với UNESCO, các văn phòng UNESCO khu vực và các quốc gia thành viên. Trong mọi vấn đề liên quan, ủy ban đã luôn đồng hành cùng các cơ quan, đặc biệt là công tác bảo tồn di sản. Đó là sự ghi nhận của các đại biểu tại hội thảo quốc tế về “Vai trò của UBQG UNESCO Việt Nam trong công tác bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên vì phát triển bền vững”, được tổ chức tại TP Ninh Bình ngày 5 và 6-12 vừa qua.

GS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia là một trong những chuyên gia Việt Nam đồng hành cùng hoạt động của UNESCO từ những ngày đầu. Ông nhắc lại sự đóng góp, nỗ lực của các chuyên gia tại UBQG đã giúp Việt Nam trở thành một trong những thành viên tích cực tham gia các hoạt động quốc tế, trong đó có việc thực hiện những trách nhiệm của quốc gia thành viên để tranh thủ tối đa sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn các di sản văn hóa và thiên nhiên, đặc biệt là các di sản thế giới đã được công nhận tại Việt Nam.

“Sau ngày Việt Nam chính thức tham gia UNESCO năm 1976, vấn đề bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và UNESCO”, GS Bình cho biết. Ông cũng đặc biệt ghi nhận sự hỗ trợ từ rất sớm đối với Việt Nam. Năm 1981, UNESCO phát động cuộc vận động quốc tế giúp đỡ Việt Nam bảo tồn các di sản văn hóa Huế, đồng thời tiến hành một số hoạt động để tuyên truyền quảng bá cho Huế như xây dựng phim, poster… góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra quốc tế. Các cơ quan của UNESCO đã ủng hộ, giúp đỡ dưới nhiều hình thức đối với Chính phủ và các địa phương Việt Nam nhằm bảo tồn các di sản, đặc biệt là những di sản đã được công nhận.

Ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Việt Nam khẳng định, những cam kết quốc tế hỗ trợ đối với việc bảo tồn di sản ở Việt Nam cũng nhằm góp phần gìn giữ những giá trị nổi bật của nhân loại trên toàn thế giới. Theo ông Mai Phan Dũng, Tổng Thư ký UBQG UNESCO Việt Nam, các di sản quý giá này cùng những danh hiệu quan trọng khác như “Công viên địa chất toàn cầu”, “Khu dự trữ sinh quyển thế giới”… vừa là niềm tự hào và vinh dự đối với Việt Nam, đồng thời góp phần quảng bá đất nước ta ra với bạn bè thế giới.

Trong thời gian qua, UBQG UNESCO Việt Nam cũng vào cuộc trong quá trình bảo tồn di sản ở từng địa phương, tham gia quá trình xây dựng, đệ trình công nhận của di sản Việt Nam lên UNESCO, định hướng và truyền tải kinh nghiệm triển khai của UNESCO tại Việt Nam, đề xuất các kiến nghị liên quan hoạch định chính sách quốc gia về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Bên cạnh đó, Ủy ban cũng kết nối mạng lưới các khu di sản, chính quyền địa phương và thế giới để chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, bảo vệ di sản, đồng thời điều phối hoạt động giữa các cơ quan chuyên môn để thúc đẩy và bảo tồn di sản cho các thế hệ tương lai.

Tại Việt Nam, sự hỗ trợ của UNESCO mà đầu mối là UBQG UNESCO Việt Nam vừa là “người dẫn đường”, là người bạn đồng hành, đã giúp nhiều địa phương thành công trong việc phát huy giá trị di sản được UNESCO công nhận, như Ninh Bình, Huế, Hội An… Không chỉ vậy, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản còn thu hút và nhận được sự chung tay của mọi tầng lớp nhân dân, qua đó vừa gìn giữ vẻ đẹp thiên nhiên, vừa tạo kế sinh nhai, công ăn việc làm cho người dân địa phương và trở thành những mô hình đáng để tham khảo.