Cầu nối hợp tác giáo dục

Nước Đức là một trong những quốc gia phát triển hàng đầu trong đổi mới sáng tạo cũng như đào tạo, nghiên cứu học thuật. Các sinh viên, nghiên cứu sinh sau khi học tập và trở về từ Đức không chỉ hỗ trợ chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, kiến thức thực tế mà còn trở thành những “cầu nối” góp phần xây dựng và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giáo dục giữa hai nước.

Trao đổi ý kiến về hợp tác giáo dục giữa đại diện DAAD (phải) và Trường ĐHKHXH&NV. Ảnh: THANH TÂM
Trao đổi ý kiến về hợp tác giáo dục giữa đại diện DAAD (phải) và Trường ĐHKHXH&NV. Ảnh: THANH TÂM

Tại Việt Nam, Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) từ lâu được biết đến như một địa chỉ quen thuộc với những người có nguyện vọng học tập, nghiên cứu tại Đức. Là tổ chức đại diện cho các trường đại học và viện nghiên cứu ở Đức, DAAD đặc biệt dành sự quan tâm hợp tác giáo dục trong khu vực Đông - Nam Á, trong đó có Việt Nam. Vừa qua, nhân hội thảo về chủ đề “Học đại học tại Đức”, diễn ra ngày 12-6 tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH&NV), ĐH Quốc gia Hà Nội, ông Stefan Hase-Bergen, Giám đốc Văn phòng DAAD khu vực Hà Nội đã chia sẻ về hợp tác đào tạo giữa hai nước. Theo ông Stefan Hase-Bergen, dù năm qua thế giới chứng kiến nhiều biến động song Đức vẫn luôn mở rộng hợp tác về giáo dục, đặc biệt là nghiên cứu hàn lâm với các trường đại học hàng đầu của Việt Nam.

“Chúng tôi luôn quan tâm và mong muốn cùng Việt Nam xây dựng mối quan hệ đối tác trong giáo dục, đặc biệt là tìm kiếm những ứng cử viên xuất sắc để phát triển nghiên cứu tại Đức”, ông Hase-Bergen cho biết. Ông cũng chia sẻ về cảm nhận rằng, dù đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh ở nhiều quốc gia trên thế giới, song tại Việt Nam các biện pháp phòng ngừa hiệu quả được triển khai ngay ở giai đoạn đầu đã ngăn chặn hiệu quả số lượng các ca lây nhiễm. Vì lý do này, Văn phòng DAAD tại Hà Nội và Trung tâm Thông tin DAAD tại TP Hồ Chí Minh có thể tiếp tục hoạt động bình thường.

Trao đổi ý kiến tại buổi làm việc, ông Hase-Bergen cho biết, trong số hơn 2,9 triệu sinh viên học tập tại Đức có 14% là sinh viên quốc tế và sinh viên Việt Nam là 5.400 người. Những năm gần đây, Chính phủ Đức đã có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút những nghiên cứu có chất lượng từ khắp nơi trên thế giới, đồng thời tăng số lượng sinh viên quốc tế có trình độ cao tại các tổ chức giáo dục đại học của nước này. Từ năm 2001, DAAD đã tiến hành chiến dịch quốc tế mang tên “Vùng đất của những ý tưởng” để quảng bá Đức như một địa điểm hấp dẫn cho các nhà khoa học trẻ.

Nhiều du học sinh, nghiên cứu sinh Việt Nam sau khi từ Đức trở về đã tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của DAAD, hỗ trợ những thành viên mới tham gia vào mạng lưới các nhà nghiên cứu tại Việt Nam và tại Đức. Những đóng góp đó đã giúp cộng đồng nghiên cứu hoạt động hiệu quả, năng động hơn, đồng thời làm sâu sắc quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia.

GS, TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV cũng chia sẻ những kinh nghiệm khi từng nghiên cứu tại Đức, nơi được coi là một điểm đến hấp dẫn của các nhà nghiên cứu quốc tế. Ông đánh giá cao môi trường và chất lượng đào tạo tại Đức, đồng thời bày tỏ mong muốn có thêm nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam tiếp cận điều kiện học tập, trải nghiệm ở Đức, sau đó trở về đóng góp cho đất nước. Theo ông, quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực giáo dục phát triển rất tốt đẹp. Đặc biệt, khi hai nước đang hướng tới kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hiện một số trường đại học của Đức tiến hành chuyển giao công nghệ, hỗ trợ những ngành đào tạo thiết thực đối với sự phát triển của Việt Nam.

Học tập và nghiên cứu tại Đức cũng là mong muốn của nhiều bạn trẻ, song hiện nay, tìm kiếm việc làm và phát triển công việc sau đào tạo đang là vấn đề được quan tâm, trong bối cảnh thế giới chứng kiến những biến động vì dịch Covid-19. Tại hội thảo, anh Hà Phước Lương, nghiên cứu sinh tại Hà Nội, đã đặt vấn đề về cơ hội việc làm trong ngành nghiên cứu về công nghệ số và cách mạng công nghệ 4.0 tại Đức. Trong khi đó, các diễn giả nhấn mạnh, những nghiên cứu đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ có chất lượng, có tính ứng dụng cao… hoàn toàn có thể góp phần tích cực giúp nhiều lĩnh vực của Việt Nam trụ vững và phát triển sự nghiệp trong và sau dịch Covid-19.