Trên đe, dưới búa

Cuối tuần qua, Chính phủ Pháp đã công bố dự thảo ngân sách năm 2020, trong đó đáng chú ý là kế hoạch cắt giảm hơn chín tỷ euro (tương đương 10 tỷ USD) tiền thuế cho các hộ gia đình. Quyết định trên được đưa ra nhằm đáp ứng yêu cầu của phong trào biểu tình “Áo vàng”, đồng thời vẫn tuân thủ quy định về thâm hụt ngân sách của Liên hiệp châu Âu (EU).

Biếm họa của DR.MEDDY
Biếm họa của DR.MEDDY

Bản dự thảo trên bao gồm việc giảm thuế 9,3 tỷ euro cho các hộ gia đình, trong đó có năm tỷ euro cắt giảm thuế cho khoảng 12 triệu hộ, vốn đã được Tổng thống E.Macron cam kết nhằm chấm dứt các cuộc biểu tình. Dự thảo ngân sách còn cắt giảm một tỷ euro cho các doanh nghiệp, với mức giảm thuế theo lộ trình từ 33,3% xuống còn 25% trong vòng 5 năm.

Kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 5-2017, Tổng thống Pháp E.Macron đặt mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách nhằm bảo đảm không vượt quá mức trần 3% GDP theo quy định của EU. Để làm được điều đó, Chính phủ Pháp công bố kế hoạch tăng thuế xăng dầu, áp dụng mặt bằng thuế cao hơn hay cải cách Luật Lao động. Những chính sách này bị nhiều ý kiến chỉ trích là sẽ gây tác động tiêu cực tới cuộc sống của người dân, đặc biệt là tầng lớp thu nhập thấp.

Chính vì thế, từ tháng 11-2018, Thủ đô Paris thường xuyên phải đối mặt các cuộc biểu tình do phong trào “Áo vàng” tổ chức vào cuối tuần nhằm phản đối các kế hoạch tăng thuế của Chính phủ. Biểu tình diễn ra dài ngày đã ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống kinh tế - xã hội nước Pháp, buộc Tổng thống Macron phải đưa ra kế hoạch cắt giảm thuế, tăng lương và các biện pháp hỗ trợ khác cho các hộ gia đình có thu nhập thấp.

Dù phần nào xoa dịu được phong trào biểu tình, song các biện pháp trên được cho là sẽ khiến thâm hụt ngân sách năm nay của Pháp lên mức 3,1% GDP. Theo đó đưa nước này trở thành thành viên duy nhất của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có mức thâm hụt ngân sách vượt quá giới hạn quy định 3% GDP của khối, trong khi các nước như Đức, Hà Lan và Bồ Đào Nha có khả năng thặng dư ngân sách.

Sức ép đè nặng giữa một bên là EU và phía kia là phong trào “Áo vàng” đã đẩy Tổng thống Pháp vào tình cảnh “trên đe, dưới búa” vô cùng khó xử. Một giải pháp làm hài lòng cả đôi bên không phải là việc dễ dàng, nhưng rất cần thiết để đưa nước Pháp thoát khỏi những xáo trộn hiện nay.