Tiếng nói ngược!

Liên hiệp châu Âu (EU) đang ráo riết thúc đẩy đồng thuận giữa các nước thành viên, nhằm hưởng ứng nỗ lực của Mỹ trong “cuộc đua trừng phạt” với Nga.

Biếm họa của LUO JIE
Biếm họa của LUO JIE

Thế nhưng, ngày càng xuất hiện nhiều tiếng nói ngược chiều, từ chính nội bộ khối. Áo là thành viên mới nhất phản đối EU gia tăng trừng phạt Nga.

Trả lời phỏng vấn báo chí hồi đầu tuần, Thủ tướng Áo Sebatian Kurz thẳng thừng bác bỏ ý tưởng của EU bổ sung các lệnh trừng phạt chống Nga, khẳng định đây không phải con đường mà Vienna mong muốn. Theo lãnh đạo Áo, các biện pháp trừng phạt có thể được áp dụng với mục tiêu thích hợp, nhưng quan trọng nhất là để thúc đẩy đối thoại, chứ không phải để triệt hạ lẫn nhau và cuối cùng không bên nào được lợi.

Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas cũng phản đối việc đối đầu với Nga, đồng thời thúc giục EU tiếp tục đối thoại với Moscow. Trong một chương trình trên kênh truyền hình ARD, quan chức ngoại giao Đức đặt dấu hỏi lớn về tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn EU dự định áp đặt với Nga, điều mà ông cho là không đáp ứng lợi ích của Berlin và của khối, trái lại có thể còn giúp Nga được lợi.

Theo Bộ trưởng Heiko Maas, quan hệ giữa phương Tây và Nga hiện rất tồi tệ và thực tế này không nên duy trì trong tương lai. Thúc đẩy quan hệ láng giềng và đối tác với Moscow là một ưu tiên của Berlin. Các hành động khiêu khích, gồm cả gây sức ép bằng trừng phạt, chỉ khiến mâu thuẫn thêm nghiêm trọng. Đức không tham gia những “nỗ lực cường điệu và rùm beng” như vậy.

Hồi đầu tháng 4, để thể hiện đoàn kết với đồng minh Mỹ, EU tuyên bố cân nhắc tung ra các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nhắm tới Nga. Ngoài việc gia hạn áp đặt trừng phạt Moscow vì cuộc xung đột ở miền đông Ukraine, EU liên tiếp công bố các lệnh cấm nhằm cá nhân, thực thể Nga liên quan vụ nhân vật đối lập Alexei Navalry của Nga. Brussels còn dọa tiếp tục bổ sung các biện pháp mới.

Thế nên, những tuyên bố của giới lãnh đạo Áo và Đức có thể bị coi là quan điểm nghịch, đi ngược sự đồng thuận của EU. Song, lại thuận theo lợi ích của nước họ và cũng phù hợp mong muốn chung là đối thoại thay đối đầu.